Dưới Mắt QH1964

Câu Chuyện Văn Chương của Học Trò Huế

Archive for the category “Uncategorized”

Thơ Jan 01 2015 : Cái Trọng Ty

Thơ Đầu năm của Cái Trọng Ty

Photo

Bác Ty và   Nguyễn Mậu Lộc

Đời lính

Người dưng khác họ — Lê duy Đoàn

Năm 1972, Đại Lộc, Quảng nam.
Chiến tranh Việt Nam đã kéo dài và dữ dội quá sức chịu đựng của mọi người. Dài thê thảm, dài đau đớn. Người dân Việt mong mỏi chiến tranh lắng xuống và sống sót.
Hè 1972 chiến sự bùng lên cùng khắp mọi miền. Ngày 30 tháng 3 ở Đông Hà, 24 tháng 4 ở Tân Cảnh, 7 tháng 4 ở An Lộc, 1 tháng 5 cho Huế và Quảng Trị… Kontum,Hoài Ân, Tam Quan, Bồng Sơn, Bình Giả, Đất Đỏ nối theo… Toàn thể những địa danh nơi hốc núi, đầu rừng, khe suối, tận cùng con đường, tất cả đều bốc cháy, cháy hừng hực, cháy cực độ…Mùa Hè 1972, trên bao nhiêu thôn xóm và thị trấn của ba miền đồng bốc cháy một thứ lửa nhân tạo, nóng hơn, mạnh hơn, tàn khốc gấp ngàn lần, vạn lần khối lửa mặt trời sát mặt.
Mùa hè đỏ lửa đi qua nhưng hệ quả của nó như một dư chấn lan tỏa rộng khắp miền Nam. Những hình ảnh tang thương, chết chóc của dân chúng trên đại lộ kinh hoàng ở Quảng trị trong trận tấn công ào ạt bất ngờ của phía bên kia và cuộc rút chạy hoảng loạn tan hàng của Sư Đoàn 3 mới thành lập tạo nên một chấn động tâm lý trên tất cả mọi người. Tiếp đó là cuộc chiến dành từng tất đất từng ngôi nhà đầy cam go và bi tráng ở cổ thành và trong thị xã Quảng Trị . Bao máu xương của những người lính trẻ của cả hai bên đổ xuống trên thành phố đổ nát này. Bao nhà cửa tan nát. Bao mạng người nằm xuống. Bao mảnh đời bất hạnh. Chết chóc, ly tan. Chiến tranh từ thời điểm đó rộng khắp miền Nam với quy mô hơn và ác liệt hơn cho tới cuối năm và đầu năm sau nữa Tin chiến sự càng ngày càng nóng bỏng trên các trang báo hàng ngày.


* *
Sáng nay vừa thức dậy,
Nghe tin anh gục ngã nơi chiến trường.
Nhưng trong vườn tôi,
Vô tình,khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa.
Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở.
Nhưng biết bao giờ, tôi mới được nói thật những điều tôi ước mơ?
(Tâm ca 1, Phạm Duy phổ thơ Thích Nhất Hạnh)

Thế đấy. Cuộc sống vẫn trôi theo hai chiều riêng biệt.
Người lính gian khổ trong những chiến hào, hầm hố nơi đầu sóng ngọn gió. Nhiều người trong số họ kết thúc cuộc đời trai trẻ trong chiếc poncho quàng xác hay về nhà với thương tật đầy mình. Nhửng người chết hầu như chẳng biết họ chiến đấu vì cái gì.
Người không ra chiến trận vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở…và ước mơ.
Những người đi dạy ở những vùng xa thành phố,cận kề những chiến tuyến giao tranh ác liệt dường như chạm tay vào sợi dây căng nóng bỏng của cuộc chiến. Họ đều có chung tâm trạng hoang mang không biết chuyện gì xảy ra trong những ngày tới. Thông tin về các loại vũ khí hiện đại nhất của cả hai bên với những tính năng tìm diệt bằng hồng ngoại, laser và sát thương tàn khốc mới được đưa ra sử dụng trên chiến trường làm trận địa trở nên quá kinh khủng.Viễn vọng về một cuộc sống hòa bình quả là quá xa vời! Người ta nói với nhau như nói chuyện đùa về nguy cơ đạn đại bác, súng cối có bất thần rơi xuống đầu mình hay không, trên đường lộ có dẫm phải mìn chôn khéo dưới nền đường hay không! Đi trên đường vắng có tình cờ nhận một viên đạn lạc? Lỡ giữa đường gặp mấy ổng đón đường thì làm sao?
* *
Hoàng Mai, cô gái đẹp. Một vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng. Khuôn mặt nàng đẹp. Đôi mắt nàng khi khép hờ hút hồn tôi bởi một vẻ xa vắng khó gần mà khi ngạc nhiên điều gì thì đôi mắt nàng mở to dưới rèm mi cong mượt mà lại có vẻ ngây thơ…vô số tội. Nàng đẹp vóc. Dáng nàng cao, thanh và vóc nàng cân đối. Nàng thích mặc áo dài trắng có dãi hoa lá màu tím phớt hồng. Nhìn tà áo nàng bay trên đường đi bộ về nhà trọ, tay vành nón nghiêng, tay níu áo tà, dáng khép nép thẹn thùng như thể gió có thể bày lộ những góc cong tế nhị trên người nàng làm nhiều người ngưỡng mộ. Nàng đẹp da. Làn da trắng hồng mịn màng khỏe mạnh, thỉnh thoảng “ má đỏ au lên đẹp dị thường” làm bao người chết mệt. Thanh âm giọng nói của nàng rất ngọt ngào. Một giọng cổ ấm, đượm đi theo tiếng dạ thưa người con gái Huế nên hàm dưỡng trong giọng nói của nàng một nét thanh tao rất đáng yêu.
Ngày nàng đến trường nhận nhiệm sở, ông Hiệu trưởng bận việc đi đâu đó. Nàng tần ngần đứng ở ngưỡng cửa vào phòng hiệu trưởng cánh khép hờ, trên tay cầm sự vụ lệnh bổ dụng cuốn lại, xoay xoay, lúng túng giữa những cặp mắt người lạ. Phòng giáo viên chỉ có cái bàn gỗ dài còn để mộc không sơn và bốn cái ghế băng. Tôi ân cần: “ Ngồi tạm xuống đây .” Nàng lí nhí nói gì không rõ rồi rón rén ngồi ghé vào cái ghế đối diện, khuôn mặt hơi cúi, hàng tóc cắt ngang che hờ vầng trán cao rộng.
Thấy tôi nói giọng Huế trong ngôi trường huyện lỵ xứ Quảng, nàng mạnh dạn mở lời, giọng nhỏ nhẹ, vẻ ngạc nhiên: “ Anh ở mô ngoài Huế mà vô đây dạy lận ?” Nàng làm như ở Huế mà vô đây là xa xôi tít mù cà cưỡng. Tôi đùa: “ Thì ở chỗ với em đó, em không biết à?” “ Ơ, anh ni nhìn lạm, chỗ mô?” Tôi nói đại một thoáng ý nghĩ lóe qua trong đầu, về một địa danh thơ mộng của Huế mà ai cũng biết, trúng thì tốt, lở trật thì thôi : “ Vĩ Dạ đó”. Mắt nàng mở to rực lên một ánh vui : “ Anh làm thầy bói được a, nhà nội em cũng gần Vỹ Dạ, ở Nam Phổ đó anh, mần răng anh nói hay rứa?” “ Quê ngoại anh đó, anh gặp em hoài ? Nói cho em biết trước đây Nam Phổ cũng là đất Vĩ Dạ, mới tách ra thành làng riêng mà thôi. Rứa ở đó mà em có bà con chi với bà Hoàng Cúc, người mà Hàn Mạc Tử say mê như điếu đổ không?” “ Em có nghe tiếng, bà là giáo sư dạy nữ công gia chánh trường Đồng khánh. Không bà con nhưng em cũng là Hoàng…Hoàng Mai” “ Thấy chưa, Mai, Lan Cúc Trúc, nhìn em là đã thấy có dính dáng chi đó rồi”. Nàng cười tươi, háy tôi một cái dài có đuôi ngầm ý “ Cái anh ni lém thật”. Vừa lúc đó, ông Hiệu trưởng về tới. Tôi đứng dậy đi theo nàng vào phòng ông Hiệu trưởng: “ Anh Tập ơi, đây là em gái của tui, anh coi chiếu cố cho nó với nhé.” Mặc dù biết tôi thích đùa ,ưa giỡn, ông Hiệu trưởng cũng cười cười hỏi vặn: “ Người ta mới lần đầu tiên về đây trình diện, em ở mô ra rứa ông Đoàn?”. Tôi cười trừ và nói đại: “ Dạ, em người dưng khác họ đó mà! Anh không biết à?” Cả ba cùng cười, nàng cười thành tiếng.
 

* *
Quê nội nàng ở làng Nam Phổ. Qua khỏi Vỹ Dạ, xuống Phú Thượng, nơi có bánh bèo chén nổi tiếng, rồi đến làng Nam Phổ, nổi tiếng với bánh canh và cau. Khắp Huế nơi nào cũng có những vườn cau xanh um, với những buồng cau sây trái múp míp, nhưng đặc biệt ở đây cau nổi tiếng vì người ta đùa cợt cách hái cau: “ Con gái Nam Phổ ở lổ trèo cau”. Người ta nói đùa luôn vận để chọc con gái ở đây thôi, chứ làm chi có chuyện nghịch đời như thế! Chỉ vì con gái Nam Phổ nhiều người đẹp, duyên dáng mà thôi.
“Dây tơ hồng không trồng mà mọc, gái chưa chồng anh chọc anh chơi” mà! Tôi đoán mò mà trúng mé mé như thế làm nàng phục sát đất. Nam Phổ, Vỹ Dạ cũng gần nhau, nói được nàng ở Vỹ Dạ là giỏi lắm rồi.
Chúng tôi quen thân nhau nhanh chóng như đã từng quen biết nhau tự thuở nào. Tự dưng không nhận người ta là em người dưng khác họ, có loại em chi mà lạ rứa không biết nữa. Về sau này khi tôi hát bài dân ca Nam bộ “lý quạ kêu” có đoạn “ Kêu cái mà…quạ kêu, Quạ kêu…nam đáo, Nam đáo…tắc đáo nữ phòng, người dưng khác họ…chẳng nọ thì kia, nay dìa mai ở, Ban ngày thì mắc cỡ, tối ở , hổng thèm dìa. Rằng a í a ra dìa, rằng thương nhớ thương” nàng đỏ mặt, dơ nắm đấm dứ dứ trước mặt tôi bặm môi trợn mắt nhưng nét mặt vui vui, ra ý liệu hồn anh đó nghen, coi chừng mà loạng quạng.“ Mới gặp người ta mà đã nói nhớ với thương, xạo dữ a. Mấy ông người Huế vô đây xạo ghê lắm. Tin chi nỗi”. Nói giọng Huế hết dữ tới ghê rồi tin chi nổi nhưng nàng vẫn tin. Oái oăm thế chứ!
* *
Đường đi từ Đà nẳng lên thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại lộc xa gần 30 cây số. Cảm giác xa tít mù là khi đi trên con đường nhựa vắng không một bóng người. Con đường độc đạo dằng dặc chạy cạnh dãy núi đồi trọc trơ trụi chập chùng , thỉnh thoảng mới gặp một xóm nhà dân làm người đi trên đường có cảm giác rờn rợn vì một mối nguy hiểm vô hình có thể đổ đến bất chợt. Con đường nhựa chỉ mới làm nền đường, chưa đổ lớp nhựa nóng láng xà coóng trên mặt thì ngưng lại, nghe nói là do tình hình an ninh không bảo đảm, có hai người Mỹ da đen là công nhân xây dựng cầu đường bị bên tê bắn tỉa chết tươi trên tay lái chiếc xe hủ-lô nên phía Mỹ giao lại cho Ty Công chánh Quảng Nam làm tiếp phần còn lại nhưng mấy năm trời công việc vẫn ỳ một chỗ. Mặt đường nhựa làm nửa chừng bị lụt lội hàng năm phá hỏng , cọng thêm xe GMC chở lính hành quân, xe tăng M113, các trọng pháo kéo lên vùng ven Đại lộc làm đường lộ nát ra với những ổ trâu, ổ voi giăng đầy suốt con đường.


Chiếc xe Honda dame màu xanh lá chuối là phương tiện đi lại của tôi trong thời gian tôi đi dạy học ở trường Đại Lộc. Con đường lên về Đại Lộc Đà Nẵng dài hun hút, vắng người nên những người đi xe gắn máy ngại đi một mình mà thích đi …hai mình, nhất là người thứ hai lại là một người đẹp và có tình ý. Ông Thanh giám thị trường hiểu ý sắp xếp giờ của hai chúng tôi đồng bộ để tiện lên về cùng nhau.
Một buổi chiều sau tiết dạy cuối trong tuần, tôi chở nàng về Đà Nẵng, Hai chiếc xe tang đi ngược chiều từ đâu dưới kia lên Đại Lộc, những thanh niên thiếu nữ theo xe đưa tang thò đấu ra ngoài vẫy vẫy hai chúng tôi, chúng tôi cũng vẫy tay chào, lòng phân vân nghi hoặc mình có quen ai trên xe đó không nhỉ. Hai chiếc xe di chuyển chậm trên đường theo lối đi zigzag để tránh những ổ voi trên đường. Bất thần, một tiếng nổ lớn vang dội núi rừng, chúng tôi đã ở xa hơn hai cây số vẫn còn nghe rõ mồn một. Chiếc xe chở quan tài đi đầu nát tan, đỗ nghiêng xuống bờ đất. Khi chúng tôi quay trờ lại xem sự tình thử có giúp được gì hay không thì một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt. Quan tài lật nghiêng, bung nắp. Người chết, người bị thương nằm la liệt, máu me lênh láng . Tiếng kêu la, than khóc rền trong sự hoảng loạn vô bờ…. Chúng tôi phụ giúp những người bị nạn cho đến khi một chiếc xe Jeep và hai chiếc xe GMC của quân đội đến đưa xác và người bị thương đi bệnh viện.
Một ngày mùa đông, trên con đường mòn, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan. (TCS). Ôi, thảm cảnh chiến tranh!
Một lần khác, chúng tôi vô cùng sửng sốt, bàng hoàng thấy mấy cái xác mặc áo đen tay ngắn, quần cộc đen mang dép râu, mặt bôi nhọ nồi ngụy trang, có lẻ bị bắn đêm hôm trước trong một trận tấn công liều lỉnh nào đó. Họ bị vất nằm la liệt kẻ nghiêng người ngã bên vệ đường trông thật thảm hại. Ánh nắng gay gắt buổi sáng chiếu lên những gương mặt bứ bự, rặt gốc nông dân. Ruồi nhặn bay lượn quanh. Trên những vết thương chết người ruồi bọ bu đen bu đỏ. Mùi máu tanh, mùi chết chóc ám ảnh chúng tôi hàng tháng trời.
Hãy mở mắt ra nhìn quanh đây những ai còn là Việt Nam, triệu người đã chết. Hãy mở mắt ra lật xác quân thù, mặt người Việt Nam trên đó! (TCS)
Thương thảo ở Hòa Đàm Paris nhằm kết thúc chiến tranh Việt Nam giữa các bên lâm chiến cứ dằng dai. Ác chiến trên trận địa càng khốc liệt. Đánh mạnh, đánh rát để có thế mạnh trên bàn hòa đàm.
Những chiếc máy bay hàng ngày quần trên những vùng ven thị trấn nghi có phe bên kia trấn đóng thường ra rả loa phóng thanh kêu gọi cán binh “ hồi chánh”. Ban đêm, hai chiếc trực thăng trí súng đại liên nhả đạn liên tục vào những vùng gọi là “vùng oanh kích tự do”. Đường đạn đi kẻ thành một lằn sáng đỏ cong vòng trong màn đêm, âm thanh đạn ra khỏi nòng gầm rú trên không trung lạnh lùng man dại như tiếng kêu của thần chết.
* *
Nhịp sống và sinh hoạt thường nhật của chúng tôi trôi theo sinh hoạt trường lớp. Những chuyện đáng nhớ thời gian ở đây lại là những chuyện bên lề chuyện dạy học dù rằng hè năm đó học sinh trường Đại Lộc đỗ Tú tài bán phần đến hơn hai phần lớp.
Sau buổi sơ ngộ ở văn phòng trường và cởi mở sau vài câu nói chuyện ngắn, tôi giới thiệu cho nàng nơi ở trọ và nơi ăn cơm tháng cùng chỗ với tôi. Nhà ông bà giáo Hưng có nhiều phòng trống nằm ở mặt tiền con đường nhựa độc đạo đến trường. Hầu hết nhà ở thị trấn Ái Nghĩa đều là nhà trệt mái tôn, chỉ đôi ba nhà có gác gỗ. Hai ông bà có con cái trưởng thành lập nghiệp ở Sài gòn nên muốn cho giáo viên ở xa nghỉ trọ và nấu cơm tháng cho có việc lăng xăng và người ra vô cho vui cửa vui nhà chứ hai ông bà khá giả, đâu cần phải kiếm tiền.
Mâm cơm cho năm người ăn ngày nào cũng thay đổi món, thịnh soạn và rất ngon. Theo thói quen nấu nướng của người địa phương, nhiều món làm màu bằng nghệ nên thức ăn dọn lên mâm thường có màu vàng. Ngoài tôi và Mai còn có Hồng cũng là cô giáo dạy cùng trường và hai nữ giáo viên tiểu học. Gươm lạc giữa rừng hoa. Mấy cô giáo ví là hoa cũng đúng vì cô nào cũng xinh xắn. Bà giáo nấu ăn ngon, bày biện khéo. Mâm cơm thường có dĩa thịt heo luộc, dĩa rau sống tú hụ ăn với mắm cái. Rau diếp cá nằm xen trong các loại rau khác, ăn chưa quen nên tôi cứ lựa riêng bỏ ra một bên , nàng lùa hết vô chén và bảo răng anh dại rứa, rau ni ăn mát và tốt lắm răng không ăn. Thịt heo ở đây ngon hết sẩy. Dai ngọt bùi. Heo cho ăn thức ăn toàn rau cám, chuối xắc, nước mả đồng nội ,hèn gì. Tôm cá sông Vụ gia tươi thịt chắc, kho hay nấu canh đều ngon vô cùng.
Những lần được phụ huynh mời ăn giỗ tiệc, nàng hay chọn chỗ ngồi gần tôi, để cuốn cho tôi những cuốn bánh tráng gói thịt heo rau sống vì tôi thường vụng về gói một cái cuốn tòe loe hai đầu.
Những ngày gần gũi nhau trong trường lớp, những sinh hoạt học đường trong không khí căng thẳng của vùng đất có chiến sự, những chuyến xe ôm eo lên về trường với nhau, những lần chạm mặt với bom đạn trong những căn hầm chất bao cát dã chiến, những bửa ăn với thức ăn ngon và chuyện trò với nhau thân mật… dần dần tình cảm chúng tôi đến với nhau nhẹ nhàng đằm thắm tự khi nào không hay..
* *
Những trận đánh dữ dội trên vùng đồi núi Đại Cường dưới mưa trời và mưa bom đạn. Những đoàn xe camion chở lính đủ loại binh chủng. từng đoàn xe bọc thép kéo lên. Hàng loạt máy bay tiêm kích chúi đầu thả bom. Pháo hạng nặng bắn thẳng. Tiếng ầm ì súng hạng nặng, bom nổ dội về thị trấn. Người người ngơ ngác ngó về vùng núi phía giao tranh, lòng hoang mang. Mưa dữ dội như trút nước xuống thị trấn.Trời lại sắp lụt to . Cuối tuần, thầy cô giáo rủ nhau đi thành đoàn về Đà nẳng. Giữa đường, có một chốt chặn phối hợp của tiểu khu quận, chi khu cảnh sát và bên an ninh. Họ nói thầy giáo cũng phải ở lại để cùng góp tay bảo vệ đất nước, nói ngang như rứa mà nghe được. Mỗi người có nhiệm vụ của mình chứ. Nói gì cũng không thuyết phục được họ, tất cả thầy cô giáo, kể cả hiệu trưởng cũng phải quay trở về thị trấn Ái Nghĩa. Tối đó mưa càng to.
Chúng tôi đang ngồi ăn tối thì trận pháo kích bằng súng cối bắt đầu. Mọi người hốt hoảng bỏ dỡ bửa ăn chạy vội vô hầm trú ẩn. Cả nhà ken vai nhau trong ánh sáng nhờ nhờ của cây đèn bóng nhỏ đặt một góc, một cây đèn sáp ở cửa căn hầm nổi, chất bao cát dã chiến, nằm tênh hênh trước nhà ông giáo Hưng buổi chiều muộn giăng đầy trời mưa lụt. Đối diện nhà ông giáo Hưng là khoảng đất trống, làm sân bóng đá, nơi sinh hoạt lễ hội, chiếu phim. Xa bên kia sân bóng là văn phòng huyện. Những tiếng súng cối depart nghe “tủm”, tiếng rít đạn bay ngang đầu không đáng sợ . Những viên đó bay về phía những hầm trú ẩn của bên an ninh và cảnh sát. Sợ nhất là tiếng sè sè của tầm đạn chúi xuống . Những viên đạn cối thăm dò tọa độ, xới tung đất đá trên mặt sân vận động, tung bụi mù và bắn những miểng ra xung quanh. Đất đá và miểng đạn rơi trên bao cát hầm kêu bịch bịch. Ai cũng ôm đầu che mặt cầu nguyện tai qua nạn khỏi. Nàng dựa lưng vào góc hầm, nắm chặt tay tôi như tìm kiếm sự bảo vệ, có biết đâu ngoài mặt tôi giữ bình tỉnh nhưng trong bụng đang đánh lô tô không kém chi nàng. Nếu không có ai không chừng nàng ôm chầm lấy tôi cho đỡ sợ cũng nên. Tiếng súng cối chỉ ngưng khi có tiếng gầm của máy bay và tiếng đạn phản pháo nổ nơi xa.
Ngay ngày hôm sau nước lũ tràn về. Nước dâng lên chia cắt đường về Đà nẳng. Chúng tôi đành phải ở lại thị trấn mấy ngày, bất đắc dĩ trải nghiệm cảnh lụt lội ở vùng đất này là như thế nào.
Thị trấn Ái Nghĩa nhỏ, hai khu nhà nằm hai bên con sông Vụ Gia, nối nhau bằng một cây cầu sắt. Đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông chảy lững lờ hiền hòa bên dưới những lúc nước rặt , cầu cách mật nước ước chừng đến sáu bảy mét. Vậy mà chỉ qua một đêm nước tràn bờ. Nước lênh láng phủ tràn khắp nơi thành một biển nước, hung hãn, ào ạt chảy trên đồng trống.

Mấy thầy giáo, cô giáo trẻ ngồi trên sân nhà cô Nhung nhìn ra xung quanh nước phủ nhờ nhờ màu phù sa. Họ nói chuyện ,cười đùa với nhau như quên hẳn chuyện tối hôm qua huyện lỵ mới bị pháo kích và mọi người hớt hơ hớt hải chạy vô hầm tránh bom rơi, đạn lạc. Trước nhà, một vườn cà dĩa sai quả, gió phần phật lá đung đưa. Trên con đường lộ phủ nước sâu đến bẹn, những chiếc ghe, đò tới lui sinh hoạt mua bán thực phẩm tận nhà. Một chiếc ghe gỗ của anh Tám, kè sát bậc thềm nhà cô Nhung.
Nghịch ngợm, tôi hỏi mượn ghe. Mấy cô giáo đứng ngó mông ra xung quanh hoài cũng chán nên cũng thích thú leo lên ghe đi chơi cho vui, vì dân thành phố có khi nào được chèo ghe nước lụt thế này. Tôi cầm lái. Ra chỗ đồng trống, nước chảy mạnh không ngờ. Chiếc ghe trôi tự do theo hướng mạn thuyền, không thể nào điều khiển được. May mà anh Tám lấy một chiếc ghe khác vội vã ra ứng cứu và đưa ghe về lại nhà cô Nhung trước khi ghe lật úp xuống một chỗ trủng nước xoáy trên đồng! Mấy cô giáo ham vui đều trẻ đẹp tên hay: Mai, Nhung, Hồng, Tuyết, Vân may không thôi theo tôi về chơi dưới suối vàng đúng theo nghĩa đen của chữ nghĩa. Sáu mạng người suýt làm mồi cho Hà Bá!
Nước lụt rút đi để lại trong vườn nhà, trên đường lộ, trong sân trường một lớp bùn sền sệt dày quá mắt cá chân. Thế là thầy cô cùng nhân viên nhà trường và học sinh quét dọn phòng học, sân trường, rửa bàn ghế để dạy học tuần tới.
Thấy người dân mang bốt cao su đi tới đi lui trên đường thật là tiện lợi, tôi cũng nhờ học trò qua chợ Ái Nghĩa bên kia cầu mua một đôi. Tới trường, nền sân thấp hơn mặt đường nên bùn đọng lại một lớp dày hơn. Bùn dính nhão nhẹt. Vào trong sân trường, vừa bước được mấy bước, cả hai chiếc bốt dính hẳn vào lớp bùn non không nhất lên được. Tôi vận hết sức bình sanh nhấc chân lên. Than ôi! Chiếc bốt rách hai. Đế đi theo đường đế, phần má cao su phía trên tòn ten trên chân trần. Tôi la lên: “ Ôi! Nó cắn”. Thầy cô và học sinh đứng xung quanh hốt hoảng chạy đến : “ Con chi cắn thầy?” “ Bùn”.
* *
Mùa Noel năm 1972.
Báo chí đưa tin dồn dập về cuộc hòa đàm đã đến hồi kết thúc với hình thức ký nháy trong các cuộc gặp riêng giữa các ông Lê Đức Thọ – Xuân Thuỷ và Kissinger và công bố bản Hiệp định mà Hà Nội và Washington đã đạt được ngày 20 tháng 10 năm 1972 , hai bên định ngày ký chính thức là 31/12/1972,
Ngày 24 tháng 10, ông Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn trước Quốc hội Sài Gòn công khai lên án và bác bỏ Hiệp định 20 tháng 10 năm 1972. Sau đó, là buổi nói chuyện của ông với đông đảo sinh viên các trường đại học Sài gòn. Buổi truyền thanh trực tiếp ông Thiệu nói chuyện có đoạn“ Mấy người Việt cộng tưởng rằng, ký xong hiệp định là ngang nhiên đội nón cối, đi dép râu vô Sài Gòn dạo chơi trên phố, vô tiệm kéo ghế ăn phở, ăn hủ tiếu Mỹ Tho! Còn khuya! Đừng hòng. Chúng bước chân vào đây thì quân dân miền Nam chặt chúng ra làm trăm mảnh. Chặt, chặt, chặt…. Cứ thế ông hăng say nói cả mươi chữ “chặt” để tỏ lòng dứt khoát không đồng ý với hiệp định ký nháy đó.
Cuộc thảo luận bế tắt cho đến gần Noel thì Nixon quyết chơi một đòn phủ đầu với Hà nội.Từ ngày 14 tháng 12, sau cuộc trao đổi ý kiến với Henry Kissinger và tướng A.Haig, Nixon đã ra lệnh: ngày 17 thả mìn Hải Phòng, ngày 18 bắt đầu dùng B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng.
Ngày 17/12 Mỹ bắt đầu tiến hành gài mìn, và trong 24 tiếng đồng hồ Hoa kỳ đã xử dụng 129 B-52 để oanh tạc Bắc Việt. Trong 12 ngày từ 18/12 cho tới 29/12 Không quân Mỹ đã thực hiện 729 phi vụ B-52 và khoảng 1,000 phi vụ máy bay oanh tạc chiến đấu, đã ném hơn 20 ngàn tấn bom. Mục tiêu oanh tạc gồm hệ thống giao thông, đường rầy xe lửa, nhà máy phát điện, phi trường, kho nhiên liệu… những mục tiêu này phía Mỹ cho rằng đều có ý nghĩa về quân sự. Cuộc ném bom chỉ ngưng nghỉ 36 giờ trong ngày 24/12 để đón Giáng sinh.
Đây là trận oanh tạc lớn nhất từ sau Thế chiến thứ hai, một trong những phương châm của Nixon là nếu đã xử dụng vũ lực thì phải mạnh hết cỡ không giới hạn, một khi đã áp dụng sức mạnh quân sự, tôt nhất là phải đánh xả láng.
 (1)
Cuộc chiến càng hung hãn càng làm buồn lòng hơn những người mong mỏi hòa bình cho đất Việt đang ngày ngày hứng chịu khổ đau.
* *
…Một bài thơ chẳng biết tác giả là ai có bốn câu nghe vui vui mà có dính dáng đến tên Mai của nàng nên tôi chép lại nắn nót trên một tờ giấy học trò, vẽ trang trí một cành mai nở bên góc. Tôi dùng tờ giấy đó chèn đánh dấu trang. Nàng hỏi tôi đọc chi, tôi lật bìa hai cuốn sách tôi đang đọc dỡ nàng xem mà không trả lời. “Câu chuyện giòng sông” của Hermann Hesse, Phùng Khánh dịch và “ Mùa hè đỏ lửa” của Phan Nhật Nam vừa mới xuất bản, những trang sách còn tươi rói thời sự.
“ Đọc xong cho em mượn đọc với nghe” “ Em nên đọc cuốn câu chuyện dòng sông , cốt chuyện nhẹ nhàng chứ quyển mùa hè đỏ lửa ni dữ dội và đau thương lắm sợ em quá nhạy cảm đọc không nỗi” “Kệ, Phải biết chứ?”. Thấy tờ giấy chèn trang rơi ra, nàng nhặt lên đọc bài thơ trên trang giấy học trò xếp lại như cánh thiệp.. Tôi chống chế định gửi em mà chưa kịp gửi.

Vị tình lai khứ nhất chi mai,
Khứ nhất chi mai hữu biệt hoài,
Hoài biệt hữu mai chi nhất khứ,
Mai chi nhất khứ vị tình lai.
Dịch:
Vì tình nên gửi lại cành mai,
Gửi lại cành mai, thương nhớ hoài,
Nhớ thương hoài một cành mai ấy,
Gửi cành mai thương nhớ tình ai.

Chỉ một câu mà nói lui nói tới xàng quay, xàng lộn thành bốn câu thơ xoàng xỉnh như rứa mà làm nàng cảm động. Nàng áp tờ giấy lên ngực, mặt ửng hồng , đến sau lưng nàng nắm nhẹ vai tôi, ghé tai nàng nói nhỏ anh tế nhị quá.
…Buổi chiều gia đình nữ sinh Mười Hai mời thầy cô lên thăm vườn dưa nhà cô vừa chín tới. Hai chúng tôi ngồi cùng một luống lựa trái ngon, nàng đưa tay vổ trái dưa kêu bịch bịch. Tôi hỏi: “Em có biết lựa dưa không mà vổ dưa mạnh bạo như Lý Tiểu Long rứa?” “ Biết chứ, tiếng nghe bong bong là chưa chín, tiếng vổ nghe bịch bịch là chín rồi” “ Có một cách thử dưa chín hay lắm” Nàng tròn mắt ngạc nhiên. “ Em nhắm mắt đi” Nàng làm theo. Tôi cầm tay nàng “ Bây giờ em cầm tay anh, anh rờ trái dưa. Nếu em thấy xao xuyến và rạo rực trong người là trái dưa đã chín rồi đó, thử coi.” Tôi nắm tay nàng dịu dàng. Nàng rụt tay lại. “ Xạo vừa thôi cha. thấy người ta thật thà rồi lợi dụng. Họ nhìn kìa!” Tôi nói liều “ Ai nhìn người nớ dị”.
…Một buổi chiều trên đường về Đà nẳng, thấy còn sớm, tôi rủ nàng : “ Nghe nói vùng Phú Thượng đẹp lắm, mình qua đó chơi cho biết”. “Tùy anh, đi mô cũng được” “ Nhớ nói ra thì phải giữ lời nhé?” “ Thì đi chỗ đàng hoàng thôi”. “ Chỗ đàng hoàng là chỗ nào, còn chỗ náo là không đàng hoàng?” “ Anh hay xiên xẹo, nói với anh không lại”.
Đường vắng. Đi trên đường thấy chẳng có bóng người, chì có vùng trảng thấp. Xa một chút là núi đồi trùng điệp. Đến một khu dân cư chúng tôi rẽ vào một ngôi nhà thờ hoang vắng. Mới ngồi bên nhau một chút, một loạt đá sỏi của mấy đứa bé rắn mắt nào đó ào ạt ném về phía chúng tôi. Hoảng kinh, chúng tôi lên xe rồ ga phóng đi. Tôi bảo nàng: “ Chắc là thanh niên ở đó thấy anh hạnh phúc bên em nên ganh tỵ”. “ Thôi anh ơi, may mà chưa u đầu sứt trán, còn ở đó mà bình loạn?!”.Tôi nói lấy được “ Có sao anh nói vậy. Sự thật như thế chứ bình loạn chi mô? Bây giờ còn sớm mình đi uống nước cho bình tỉnh, rồi về. Bị trận mưa đá sỏi sạn ghê quá,hết hồn” “ Tùy anh”. Lại tùy anh.
Ngồi bên bờ sông Hàn, gió chiều êm dịu, nắng xiên khoai phía sau lưng, những dãy nhà cao che nắng tạo thành bóng râm chỗ chúng tôi ngồi uống nước mía. Nắng dọi những làn sóng lăn tăn trên mặt nước lung linh ánh sáng. Tôi gợi ý: “ Cái gì em cũng nói tùy anh. Nếu bây giờ anh nói mai mới về nhà thì em có tùy anh không?” Nàng trố mắt ngây thơ hỏi: “ Thôi anh ơi, ba mẹ em biết chiều nay mình về, mình không về ông bà lo lắng, không được đâu! Mà anh định đi đâu?” “ Tôi chỉ tay về phía xa xa “ Vô đó kìa”. “ Giỡn chi rứa anh. Về đây rồi, không về nhà mà đi ngũ khách sạn. Không dám đâu, gặp người quen chắc có nước độn thổ”. “ Thì mình nằm bên nhau, nói chuyện chơi rồi ngũ. Mình chẳng làm chi bậy bạ thì sợ chi? Anh cam đoan là ngũ chay đàng hoàng. Thề danh dự”. “ Anh thề danh dự thì em tin anh nhưng nằm gần nhau, làm sao em tin nỗi lòng em, rồi sinh chuyện” . Nàng nói như thánh nữ đồng trinh nói làm tôi chịu thua nhưng cũng vớt vát: “ Anh nói vậy thôi, chứ anh phải giữ gìn cho em chứ!”. “ Thiệt tình cái anh này. Thử lòng người ta chi mà ác! Hồi nãy nếu em nói tùy anh thì không biết chuyện chi xảy ra à nghen!”.
Vừa chở nàng về tới nhà, bác Thức, ba nàng ra đón vồn vã: “ Hai đứa bây về kịp hay quá. Ba sai thằng Thăng mua vé cho cả nhà đi xem phim “ Đường sơn đại huynh” do Lý Tiểu Long đóng vai chính. Coi phim xong,Đoàn về đây uống rượu với bác.”
Nàng nheo mắt nói với tôi: “ Anh thấy chưa, may mà em không “tùy anh” chứ nghe lời anh thì rách việc, chết cả lũ.”
Ăn cơm xong, cả nhà đi đến rạp Kinh Đô trên đường Độc Lập. Rạp đầy người không còn một ghế trống. Nàng tế nhị ngồi với em gái và cha mẹ, tôi ngồi riêng với hai em trai của nàng. Phim quá hay.
Hết phim, trên lối đi ra cửa tôi giả bộ nghiêng ngã, xoay xoay chực té. Mọi người hoảng lên: “ Sao vậy, Đoàn sao vậy?” “ Dạ, phim đấm đá dữ dội quá, hay quá nên con xoàng!” “ Ba ơi, anh giả bộ đó, hết ai giỡn anh lại đi giỡn người lớn” . Bác Thức cười: “ Kệ hắn, vui thôi”.
Về lại nhà nàng, bác Thức đem ra một chai rượu Martel, quà của một người bạn Mỹ tặng. Hàng PX. Nàng vào bếp nướng mấy con mực khô và làm món bò lúc lắc khoai tây dọn ra salon rồi rút vô phòng trốn biệt. Bác Thức là bác sĩ quân y, cao, người đầy đặn, da trắng hồng, mặt phúc hậu, giọng vang. Bác có những nhận định về tình hình chính trị sắc sảo, tỏ ra bi quan về khả năng chiến đấu của quân đội Cọng Hòa khi Mỹ rút đi và miền Nam sẽ sụp đổ nhanh chóng nếu Mỹ cắt viện trợ. Hai người một già một trẻ nói chuyện tương đắc. Uống chừng nửa chai rượu, tôi ngà ngà. Nàng đã dọn cho tôi một chỗ nghỉ tinh tươm. Giường nệm, drap trắng muốt, mùng buông sẵn. Tôi chẳng khách sáo. Trong giấc ngũ tôi mơ hồ thoảng thấy mùi hương của nàng. Hương trinh nữ.
Sáng ra, nàng soạn sẵn bàn chải khăn mặt cho tôi chu đáo. Lan, cô em vui tính của nàng nói: “ Anh Đoàn sướng nhe. Chưa có ai mà ba em nói chuyện say sưa như hồi hôm ổng nói chuyện với anh. Chị Mai nhường phòng cho anh rồi qua ngũ với em. Hồi hôm thấy chị cứ trăn qua trở lại hoài. Thấy thương. Cách nhau có một cái vách mà như hai phương trời cách biệt. Hồi hôm anh có mơ gì không?”
 

…Ăn Tết xong, thầy trò đến trường để làm lễ tựu trường đầu năm. Ông Hiệu trưởng bận gì không đến. Lễ làm qua loa cho xong. Một bó hoa lay-ơn màu đỏ thắm trở nên vô duyên vì chẳng có lễ tiết gì . Nàng đem bó hoa vào phòng ông hiệu trưởng. Sẵn máy ảnh chuẩn bị chụp hình cho buổi lễ đầu năm, thầy Ngô Huỳnh chụp liền mấy tấm hình kỷ niệm nàng ôm bó hoa cười tươi, tôi đứng kế bên quàng vai nàng như đôi tân lang tân giai nhân trong lễ cưới. Thời gian sau hỏi Huỳnh mấy tấm hình kỷ niệm đâu rồi, Huỳnh trả lời tỉnh bơ mình quên charge film!

“Chặt chặt, chặt” như thế nên ông Thiệu làm hai bên lâm chiến lúng túng phải trì hoãn việc ký kết văn bản Hiệp định Hòa bình Paris. Trước sức ép nặng nề của chính quyền Nixon quyết định dứt khoát rút quân ra khỏi Việt Nam và nói thẳng với ông Thiệu, nếu ông không ký thì Mỹ vẫn ký Hiệp định với Hà Nội, ông Thiệu phải nhượng bộ.Chẳng đặng đừng,chính quyền miền Nam phải cùng các bên hòa đàm ký vào văn bản Hiệp định Hòa Bình Paris ngày 27/1/1973.
Trước ngày ký hiệp định, chính quy ền ra lệnh đánh dấu lảnh thổ bằng cách vẽ lá cờ vàng ba sọc đỏ mọi nhà, mọi nơi. Thế mà qua ngày 28/1khi hiệp định hòa bình có hiệu lực, nhiều vùng thôn xóm xa xa xuất hiện nhiều lá cờ xanh đỏ sao vàng treo trên đầu ngọn tre, ở xa vẫn nhìn rõ. Da beo.
* *
…Tôi phụ trách văn nghệ và báo chí của trường.
Những buổi giao lưu văn nghệ với trung đoàn 54 đóng trên đồi. Những buổi đi thăm tiền đồn giao lưu văn nghệ với lính đóng quân nơi tiền tuyến. Thầy hát, cô hát, học trò hát hồn nhiên vui vẻ trong những chuyến dã ngoại bất ngờ.
Một buổi tối, chỉ huy trung đoàn 54 mời thầy cô và nhân viên trường lên văn phòng ban chỉ huy đóng ở trên đồi xem phim. Ai cũng hăm hở vì ban đêm ở lại thị trấn chẳng có gì giải trí . Phòng chiếu phim đặt máy chiếu và tấm màn trắng trong phòng hành quân dẹp gọn. Tưởng chiếu cho thầy cô giáo xem phim gì hay ho, mấy ông cố vấn Mỹ đem mấy phim dung tục ra chiếu. Hầu hết cô giáo đỏ mặt bỏ ra ngoài ngắm sao. Tôi đi theo. Đứng bên nàng trên đồi cao nhìn ra xa, dưới ánh sáng trăng mười sáu, vùng quê Đại Lộc tít tắp tầm nhìn đang yên bình và tỉnh lặng. Có ai ngờ, trong không gian đó ngầm chứa một hỏa diệm sơn sôi sục lửa chiến tranh.
Hoạt động sôi nổi nhất trong mùa hè 1973 của nhà trường là “Tuần lễ sinh hoạt học đường” do Sở Giáo Dục Quảng Nam tổ chức ở Hội An. Trường Đại Lộc tham gia hầu hết sinh hoạt trong tuần lễ đó. Hai chương trình văn nghệ, trường Đại lộc tham gia với hợp ca “ Những dòng sông chia rẽ” của Phạm Duy,liên khúc “ Ta phải thầy mặt trời, Chính chúng ta phải nói hòa bình và Cánh đồng hòa bình” của Trịnh Công Sơn đều do tôi tập. Đơn ca “Thương quá Việt Nam” của Phạm Thế Mỹ do Trương thị Nữ hát đơn ca do cô Nhung tập. Một vũ điệu dân tộc do Hoàng Mai biên đạo và tập cho các em tuyển chọn từ nữ sinh đệ tam. Cùng tham gia tập cho các em có Trần Danh sau này thành nhạc sĩ nổi tiếng của Quảng Nam- Đà Nẵng, với bút danh Trần Ái Nghĩa. Những bài hát và điệu múa đều nhằm vào cùng một chủ đề là “ Quê hương và khát vọng hòa bình”
Trường còn tham dự thi báo tường . Mỗi trường được phân một phòng triển lãm ở trường Trần Quý Cáp. Quanh tường gian phòng triển lãm treo tranh của tôi và các sản phẩm thủ công của học sinh. Giữa phòng trưng bày các sản vật nông nghiệp địa phương Đại Lộc. Mấy quả bí to quá cở đặt trên quầy khiến ai vào xem cũng trầm trồ khen ngợi.
Trong dịp này,trường còn tham gia giải bóng tròn học sinh, mang về cho trường giải nhì toàn tỉnh.
Những đóng góp của trường Đại lộc vào tuần lễ sinh hoạt học đường đó để lại tiếng vang và sự ngưỡng mộ trong lòng những người tham dự và Ty Giáo Dục Quảng Nam.
Mấy cái giấy khen của Ty giáo dục gửi về trường đánh giá cao về điều đó.
Nhân có đông đủ giáo sư của trường cùng về Hội An tham dự tuần lễ sinh hoạt học đường, ông Tập liên hệ bên chỉ huy của Giang Đoàn Hải Quân đóng ở Hội An xin tàu ra chơi ngoài Cù Lao Chàm hai ngày một đêm. Đứng trên boong tàu,lần đầu trong đời chúng tôi thấy những đàn cá chuồn từ dưới làn nước biển xanh vọt lên không trung rồi vổ cánh sành sạch bay xa hàng chục mét trước khi đáp xuống nước.
Sau phần lửa trại và ăn tối,thầy cô giáo tùy nghi bất kể nam nữ, nằm thành một dãy dài trên bãi cát ven biển . Tôi nằm bên nàng nghe sóng biển vổ bờ xào xạc, nhìn khung trời đầy sao, cảm nhận sự bình yên quý giá và lòng lâng lâng một cảm xúc diệu vợi. Ghé tai nàng tôi nói nhỏ : “ Đêm tân hôn của hai đưa mình, sao khách khứa vào ngủ trong phòng tân hôn đông quá, không làm ăn chi được” . Nàng hứ lên một tiếng: “ Anh chỉ ưa nói bậy,mang tiếng chết!”


….Chúng tôi đèo nhau ra khu vực vắng vẻ trên bờ sông. Đi dọc con đường nhỏ ven sông nhìn qua vùng Cẩm Nam bên kia sông phong cảnh hửu tình. Chúng tôi khóa xe bên bờ sông, gọi một chiếc ghe do một thiếu phụ lớn tuổi cầm lái đang chèo thong thả trên sông. Ngang một bãi cát cù lao giữa sông, tôi bảo thiếu phụ chèo ghe cho chúng tôi xuống bãi chơi một lát, bà đi đâu đó rồi chút nữa trở lại đón chúng tôi.
Cầm tay nhau dung dăng trên bãi cát một chốc, chúng tôi cùng ngồi xuống đám cỏ. Nhặt một cành cây khô tôi viết tên hai đứa lên nền cát trắng mịn rồi đưa cành cây cho nàng. Nàng biết ý, vẽ hình trái tim bao quanh. Ngước nhìn lên, mắt nàng long lanh: “ Có được mãi như thế này không anh nhỉ?”
* *
Cuối niên học đó tôi đổi về dạy ở Huế. Đường sá cách trở. Tôi không có dịp nào trở lại Đà nẳng. Một lá thư duy nhất nàng gữi cho tôi ghi vỏn vẹn mấy chữ to chiếm hết trang giấy học trò “ Đành lòng quên Đà Nẵng sao anh?”. Tôi nhủ thầm không quên nhưng không đến với nhau được.
Tôi lập gia đình.
* *
Cho tới khi gia đình tôi chạy loạn theo dòng người từ Huế đổ vào Đà Nẵng, tôi mới gặp lại nàng trong khoảnh khắc trọng đại của lịch sử sang trang. Tâm trạng mọi người đang hoang mang, lo lắng vì việc thay ngôi đổi chủ.
…Ba giờ chiều ngày 29-3-1975, bộ đội giải phòng đã chiếm được Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam. Từ các ngả Phước Tường, đường Thanh Khê, Lý Thái Tổ… bộ đội giải phóng tiến vào thành phố .Đoàn xe cắm cờ cách mạng chạy qua cầu Trịnh Minh Thế bắc qua sông Hàn phải dừng lại nhiều lần vì hàng ngàn người dày đặc vây quanh.
Tôi đến nhà nàng trong buổi chiều dầu sôi lửa bỏng đó. Nhà nàng ở trong khu gia binh.
Mọi người đang tất bật dọn đồ đạc ra khỏi nhà, thuê xe chở về nơi ở mới. Ôm cái quạt máy trên tay, nàng nhờ tôi chở về đường Ông Ích Khiêm. Nhà nàng thuê ở tạm nằm trong một con hẻm nhỏ . Tôi cẩn thận ghi địa chì của nàng vào sổ tay và ghi nhớ con hẻm. 

…Năm 1976, tôi nhận được thiệp hồng của Hồng và Triết, hai người bạn cùng dạy ở trường Đại Lộc. Luôn tiện vào Đà Nẵng theo học mấy ngày chương trình cập nhật sách giáo khoa, tôi tham dự lễ cưới. Gặp tôi nàng vui vẻ hồn nhiên như thuở trước. Tôi đạp xe chở nàng lên nhà Triết. Tiệc cưới tổ chức tại nhà đơn giản mà ấm cúng. Những người bạn xưa thân thiết nay gặp lại chuyện trò rôm rả, vui vẻ và thân tình vô cùng.
Chở nàng về nhà, thấy giờ đã muộn, tôi bịn rịn từ giả nàng. Nàng cầm ngón tay trỏ của tôi vuốt nhẹ lên ngón tay đeo nhẫn của nàng. Một chiếc nhẫn. Tôi hiểu ý. Nàng đã đính hôn.
…Năm 1984, trên chuyến tàu lửa Sài gòn- Huế tồi tàn, tôi tình cờ gặp lại gia đình Hoàng Mai. Cả gia đình theo bác trai vào Sài gòn, chỉ có Mai theo chồng ở lại Đà nẳng. Toa tàu tối om soi nhờ nhờ bằng hai bóng đèn vàng hiu hắt. Vây mà Lan, em gái của Mai vẫn nhận ra tôi.Hỏi thăm nhau một hồi với bác trai, Lan kéo tôi riêng ra hỏi nhỏ: “ Anh có nhắn chi với chị Mai hay không?” Tôi đáp: “ Cho anh gửi lời thăm chị Mai. Em nhắn với chị Mai là anh còn ghét chị Mai nhiều, nhiều lắm. Ghét hoài”
* *
Năm 2000, ông Phan Thế Tập, trước đây là hiệu trưởng trường Đại Lộc mời vợ chồng tôi dự đám cưới con gái út tại nhà hàng New World, Sài Gòn. Một không gian tiệc cưới cực kỳ sang trọng. Ngoài những lễ tiết tân hôn và ban nhạc nhẹ chơi những bản nhạc tiết tấu nhẹ nhàng, hai gia đình còn mời khách lên góp vui trong tiệc cưới. Ông Tập giới thiệu tôi với những lời lẽ đầy cảm kích của người “tha phương ngộ cố tri”. Tôi cũng nể tình lên hát tặng cô dâu chú rể bài hát “ Ngậm ngùi” của Phạm Duy, phổ thơ Huy Cận nhưng tôi đặt tựa mới cho phù hợp không gian đám cưới với nhan đề là “ Anh hầu quạt đây”.
Một người thanh niên trắng trẻo,cao ráo, đẹp trai đến bên chào tôi lễ phép : “Xin lỗi, bác là bác Đoàn, người Huế, trước đây dạy Đại Lộc?” “ Vâng, có gì không cháu?” “ Bác hát hay quá! Con ngưỡng mộ bác nên xin bác cho con chụp chung một bức ảnh kỷ niệm”. Tôi không biết anh ta nghe đâu và tôi có tiếng tăm gì hay ho mà lại nói là ngưỡng mộ!Anh ta đến mời hai vợ chồng ông Tập và vợ chồng con gái ông Tập đến cùng chụp tấm ảnh chung. “ Bác cho con xin địa chỉ nhà để con gửi hình tặng bác”. Ông Tập giới thiệu: “ Cháu Tâm đây, bạn con gái tui, cùng học trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng. Cháu ở Mỹ về, luôn dịp tui mời cháu dự tiệc cưới con tui.”
Tôi ghi vội địa chỉ của mình trên tờ giấy thực đơn xé ra.
* *
Gần hai tháng sau, nhân viên bưu điện chuyển đến tận nhà thư bảo đảm từ Houston, Texas ở Mỷ gửi về. Người gữi là Mai Tâm. Mấy tấm ảnh chụp trong lễ cưới con gái anh Tập gửi kèm theo một lá thư và một tờ giấy xếp hình như cánh thiệp đã ngã màu vàng ố thời gian. Nét chữ quen, tờ giấy cũng quen. Tôi sững sờ nhìn hình trang trí hoa mai và bài thơ “vị tình lai khứ nhất chi mai”. Là Nàng.
Anh Đoàn,
Nhìn anh chỉ già đi một chút nhưng không khác mấy với “thuở ấy chúng mình” . Qua Mỹ lâu rồi, hôm nay thấy hình anh, em bồi hồi xúc động vô cùng. Bao kỷ niệm quý giá”một thời để yêu” trở về. Những thước phim đứt quãng nay kết lại thành một chuỗi ân tình không dứt. Anh nhìn kỹ cháu Tâm xem thử có gì lạ? Nhớ bài không tên số hai anh hay hát cùng em không?Đời một người con gái ước mơ đã nhiều, trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình mang theo.

Bên dưới những dòng viết ngắn ngủi gợi nhớ ấy ghi mấy chữ đều viết hoa nắn nót như thói quen của nàng:” Người Dưng Khác Họ”.
Ngắm kỹ các hình chụp trong đám cưới con anh Tập, tôi nhận ra một điều kỳ lạ. Hai khuôn mặt có nét giống nhau thật. Hèn gì trong thư nàng hỏi tôi, có lẽ nàng nhận ra điều ấy.
Thuở ban đầu lưu luyến ấy, tôi hay hát đùa “Người dưng khác họ,chẳng nọ thì kia”. Chưa từng có chuyện nọ chuyện kia gì giữa hai đứa ! Cũng không có chuyện “ngày nào ân cần trao thân” như lời hát trong bài không tên số hai của Vũ Thành An.
Lòng tôi chùng xuống. Tình nàng sâu đậm đến thế ư?
Tôi ngậm ngùi nhớ “ người dưng khác họ” trong lần gặp gở đầu tiên khi nàng tới trường nhận nhiệm sở và những ký ức rời rạc nhưng kỹ niệm sắc nét trong quãng thời gian hai đứa yêu nhau.
Tôi hát thầm :

Quạ kêu nam đáo nữ phòng,
Người dưng khác họ, quặn lòng nhớ thương.


Lê Duy Đoàn,

Sài Gòn, 10/10/2013

1. Bài viết này dành tưởng nhớ bạn Ngô Huỳnh và bác Cương đã đi xa. Cũng dành tặng những người bạn  cùng dạy ở trường Trung Học Đại Lộc thời kỳ đó mà tôi còn nhớ tên: Tập, Trung,Thanh, Tứ, Tuân, Kiệt, Mười, Triết, Dũng, Tân, Hoáng …và các cô giáo Nhung, Vân, Tuyết, Mai, Hạnh, Khuê, Hồng…
2. (1) Nguồn Wikipedia tiếng Việt.

Chiến lược xoay trục hướng về châu Á … (Trần Ngọc Cư dịch)

Chiến lược xoay trục hướng về châu Á: Tấm vé để Obama ra khỏi Trung Đông?

Stephen P. Cohen và Robert WardThe Diplomat, 21 tháng Tám 2013

Trần Ngọc Cư dịch

clip_image002Hiện nay, Đông Á có vẻ hấp dẫn hơn đối với Nhà Trắng. Nhưng những động cơ đích thực là gì?

Kể từ khi chiến lược “xoay trục” hướng về châu Á của Mỹ được công bố năm 2011, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra về nội hàm, về những hiệu ứng tiềm năng của nó đối với quan hệ Mỹ-Trung, và gần đây về nghi vấn là, liệu chiến lược này sẽ thực sự diễn ra hay không.

Động lực đưa đến chiến lược xoay trục bề ngoài có vẻ rõ ràng: “trọng tâm” toàn cầu đang chuyển dịch về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và Hoa Kỳ cần phải đáp ứng tình thế mới. Chúng tôi [tác giả bài viết] tranh luận rằng động cơ địa chiến lược (geostrategic motivation) này không phải là lý do duy nhất đưa đến việc xoay trục: còn có một lý do quan trọng không kém, đó là tham vọng của Tổng thống Obama muốn đánh đổi một cuộc chiến lâu dài, tốn kém, và ngày càng mất lòng dân tại Afghanistan, và cả sự tập trung nỗ lực to lớn tại Trung Đông đầy bất ổn và bạo loạn, để nhận lấy sự ổn định tương đối của khu vực Đông Á.

Tham vọng muốn ra khỏi Afghanistan của Tổng thống Obama có thể thấy được trong cách tiếp cận của ông đối với cuộc chiến tại Iraq. Mười một năm về trước, khi còn là một thượng nghị sĩ cấp tiểu bang, Barack Obama đã lao vào sự nghiệp chính trị cấp quốc gia bằng một bài diễn văn, cảnh báo rằng hành động xâm lăng Iraq sắp diễn ra là “liều lĩnh”, vô trách nhiệm, và giản dị là “ngu đần”. Saddam Hussein không đặt ra một đe dọa trực tiếp nào cho Hoa Kỳ, Obama tranh luận, và cuộc chiến này sẽ đòi hỏi một sự chiếm đóng “lâu dài bất định, với tổn thất bất định, và với những hậu quả bất định”. Bài hát của nhóm nhạc rock độc lập Tô Cách Lan, Camera Obscura, diễn tả đầy đủ chiến lược nói trên: “chúng ta hãy rút khỏi nước này”.

Mặc dù Tổng thống Obama không bao giờ lên tiếng chống đối cuộc chiến tại Afghanistan, nhưng quan điểm của ông hiện nay về cuộc xung đột này là rất giống với hình ảnh mà ông đã có về nước Iraq trước khi chiến tranh diễn ra: phe Taliban, tự nó, không đặt ra một đe dọa trực tiếp nào cho an ninh nội địa Mỹ, và sau 12 năm chiếm đóng, chúng ta vẫn còn đối diện với một cuộc nội chiến tại Afghanistan với thời gian dài bất định, mức tốn kém bất định, và những hậu quả bất định. Giải pháp? Chúng ta phải rút ra càng sớm càng tốt miễn là không đưa đến một sự sụp đổ toàn bộ Chính phủ Afghanistan.

Nói cho ngay, Afghanistan không phải là nước duy nhất mà Hoa Kỳ bận tâm tại Trung Đông, nhất là nếu chúng ta vẽ một đường kéo dài từ Pakistan đến tận Morocco, như tác giả Vali Nasr đã làm [trong một bài báo của tạp chí The Diplomat]. Pakistan, quốc gia có vũ khí hạt nhân lớn thứ năm trên thế giới, nhưng có một chính phủ gần như bất lực và đang hỗ trợ phe Taliban tại Afghanistan trong khi Pakistan cũng không mấy thành công trong việc trấn áp đám Hồi giáo vũ trang tại nước mình; Iran đang từng bước tiến đến việc thủ đắc vũ khí hạt nhân và không chịu đáp ứng trước sức ép của Mỹ; và Mỹ gần như bất lực trong việc chi phối các biến cố tại Syria và Ai Cập. Trong 10 năm qua, Hoa Kỳ không mấy thành công tại khu vực Trung Đông. Vì thế, dưới một góc độ chính trị, việc chuyển trọng tâm chiến lược là hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng tại sao lại “tái quân bình lực lượng” hướng về châu Á, thay vì chỉ giản dị là đưa quân về nước? Có một câu trả lời mang giọng điệu địa chiến lược thường thấy: chúng ta phải duy trì đồng minh và lợi ích kinh tế của chúng ta ở vùng này và giúp đảm bảo sự trỗi dậy của Trung Quốc được hòa hoãn chừng nào hay chừng ấy. Điều này có thể đúng trong 5 năm tới, nhưng hiện nay có những lý do chính trị có lẽ còn quan trọng hơn thế.

Một là, mặc dù Chính quyền Obama dị ứng với các cuộc chiến chống nổi dậy đầy tốn kém, nhưng vị tổng thống này rõ ràng tin tưởng vào một chính sách đối ngoại có mục đích duy trì ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, và sẵn sàng theo đuổi các cuộc can thiệp tương đối an toàn về mặt chính trị, không trực tiếp đe dọa mạng sống người Mỹ, như chiến dịch không kích của NATO tại Libya. Chiến lược xoay trục lại càng an toàn hơn nữa: mặc dù có nhiều căng thẳng quốc tế đang diễn ra tại châu Á, nhưng cái khả năng để lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ vừa được triển khai tại Australia hay các căn cứ rộng lớn của Mỹ tại Hàn Quốc hay Nhật Bản bị tấn công là gần như không có.

Hai là, sự tham gia của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho phép quân lực Mỹ vận dụng được các thế mạnh của mình: đó là các lực lượng không quân và hải quân đang hướng vào các cường quốc quan trọng. Mỹ có nhiều lợi thế rất to lớn về không lực và hải lực hơn bất cứ một quân đội nào khác, nhưng trong 12 năm tham dự các cuộc chiến phi qui ước trên bộ vừa qua, việc phân bổ các nguồn lực quốc phòng đã đi ra ngoài sự tập trung truyền thống [vào không-hải lực] nói trên, với ngân sách của Không quân và Hải quân rơi từ 54% toàn bộ ngân sách quốc phòng năm 2000 xuống chỉ còn 41% năm 2008. Hiện nay, mặc dù Bộ binh và Lính thủy đánh bộ đang đối diện việc cắt giảm ngân sách nghiêm trọng, nhưng ngân sách của Hải quân và Không quân thì đang được giữ nguyên. Và mặc dù các khả năng chống tiếp cận/từ chối địa bàn [A2/AD capabilities] của Trung Quốc ngày càng tăng trưởng, làm giảm sút sự không chế quân sự của Mỹ trong lãnh vực này, nhưng một cuộc đọ sức về hải quân và không quân vẫn hấp dẫn hơn một cuộc xung đột kéo dài trên bộ, đối với một vị tổng thống và một quần chúng Mỹ mỏi mệt vì chiến tranh. Hơn nữa, đại bộ phận quân đội Mỹ nói chung không còn muốn tiếp tục chiến đấu trong những cuộc chiến làm tiêu hao nguồn lực và làm nản chí mọi người như tại Iraq và Afghanistan, và vì thế đang hồ hởi trở lại một khu vực đầy rẫy những đồng minh đích thực như Hàn Quốc, Philippines, và Nhật Bản.

Nhưng tại sao cái động lực nằm sau chiến lược xoay trục hướng về châu Á lại có ý nghĩa quan trọng, nếu nó đã và đang được thực hiện? Ấy là vì, chiến lược xoay trục càng tùy thuộc vào các xác tín cá nhân của Tổng thống Obama, vào nhu cầu tạo một lá chắn chính trị cho việc rút quân khỏi Afghanistan và vào những nguyện vọng nhất thời của công luận Mỹ, thì chiến lược này lại càng dễ dàng biến mất vào giờ phút Tổng thống Obama rời Nhà Trắng, hoặc ngay cả trước đó. Đây là một vấn đề, vì chiến lược xoay trục có mục đích trấn an các đồng minh của Mỹ tại châu Á về sự hiện diện liên tục của Mỹ và quản lý sự trỗi dậy từng bước của Trung Quốc – như vậy, một cuộc xoay trục ngắn hạn, hay thậm chí một cuộc xoay trục mà các lãnh đạo châu Á cho là ngắn hạn, không thể đạt được những mục tiêu này. Chiến lược xoay trục thường xuyên bị mô tả là một con cọp giấy, và nếu việc xoay trục này là để rút quân ra khỏi Afghanistan hơn là để duy trì một sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại châu Á, thì sự chỉ trích này sẽ được chứng minh là đúng.

Nếu có một cái giá mà Mỹ phải trả, việc này sẽ không diễn ra trong nhiệm kỳ của Obama. Sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan đến tận Pakistan, rồi lan qua Ấn Độ – một phiên bản mới của thuyết đô-mi-nô – có thể bị coi là cường điệu trong tình hình hiện nay, nhưng đó là một kịch bản hợp lý cần phải xét đến. Những cuộc khủng hoảng giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể tái diễn, và chúng ta trong tư cách một chính phủ vẫn còn tin rằng Pakistan thuộc về khu vực Af-Pak và Trung Đông, chứ không thuộc về Nam Á. Thật là tự nhiên khi nghĩ rằng “Chúng ta hãy rút quân ra khỏi nước này”, nhưng đó cũng là một đường lối lãnh đạo yếu kém. Câu hỏi thật sự cần phải đặt ra là: hai cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc và Ấn Độ, có thể sẽ dùng nguồn lực của mình để khai thác sự yếu kém, mong manh của Trung Đông và Pakistan như thế nào? Đây là một câu hỏi mà chính quyền này đã nhắm mắt bỏ qua, khi có ý định thực hiện một thay đổi quan trọng trong chiến lược của Mỹ. Chắc chúng ta sẽ phải chờ đợi một vị tổng thống khác mới có thể thấy câu hỏi này được nêu lên thêm một lần nữa.

S. P. C. & R. W.

Stephen P. Cohen là một nhà nghiên cứu thâm niên về Chính sách Đối ngoại tại Viện Brookings ở Washington, DC. Robert Ward là Nghiên cứu sinh nội trú về các vấn đề Nam Á tại Viện Brookings

Sau Khi Về Thăm Huế (Trần Ngọc Cư)

Xin chia sẻ với quí vị một số cảm nhận về quê hương sau những chuyến về thăm gần đây.

 .
Trân trọng,
Trần Ngọc Cư
 .
Huế tôi
 .
Huế tôi ở với Huế người
Có nhiều quán nhậu bán mồi cầy tơ.
Tôi về thăm Huế tuổi thơ
Giữa mùa cờ đỏ, cờ chùa tung bay.
.
May 2012 
 .
Quê hương
 .
Quê hương đâu cần là trái ngọt,
hay cánh diều vẫy gọi trên đê…
Nó vận vào ta như là phận số
đẩy ta đi trọn kiếp người.
Quê hương giúp ta hiểu được
Những người vượt biên sống sót
vẫn về phố cũ tươi cười …
Quê hương mở ra toang hoác
bản năng bí nhiệm cá hồi.
 .
Ao nhà
 .
Ta trở lại ao xưa
tìm gặp bạn bè
một thời làm ễnh ương
chỉ nghe hơi lạnh ngoài da
đã kêu vang một góc trời thôn dã.
Ôi dẫu sao, đó cũng là
cái thời sôi nổi,
như người ta vẫn gọi,
tuổi thanh xuân!
 .
Nay ễnh ương đâu rồi
hay họ đã hóa thân
mang lớp da sù sì không còn nhạy cảm.
Ta về ta tắm ao ta
Gặp bầy sấu ngủ, ao nhà ta đâu?
 .
Thằng cù lần nói với dòng sông
 .
Trong một kinh thành lên cơn ngứa,
Muốn thân thương, phải biết gãi cho nhau.
Tự đáy lòng nếu còn gì thẳng thắn,
Một đôi điều xin nói với dòng sông:
 .
Từ cầu Chợ Dinh ngó về Cồn Hến
Đây sương mù hay là cõi Liêu Trai?
Này Sông Hương, nường có là phù thủy?
Ta đã ra đi, nường níu áo ta về.
Festival 201

Lộng Giả Thành Chân (Trần Ngọc Cư dịch)

Lộng giả thành chân – Những điều tốt lành về nền kinh tế hàng nhái của Trung Quốc

Tháng 7 14, 2013
Kal Raustilia và Christopher Sprigman
Trần Ngọc Cư dịch
Dẫn nhập
Một điều khá nghịch lý là bài tiểu luận này được viết bởi hai chuyên gia về luật sở hữu trí tuệ Mỹ, nhưng gần như để biện minh cho hiện tượng các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc đã và đang ào ạt sao chép sản phẩm phương Tây một cách công khai với sự khuyến khích của chính quyền Bắc Kinh. Và cũng là điều đáng suy nghĩ khi cuốn The Knockoff Economy: How Imitation Sparks Innovation (Kinh tế hàng nhái: Sự bắt chước đã châm ngòi cho sang kiến như thế nào) của Raustilia và Sprigman xuất hiện giữa bối cảnh các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang gặp trở ngại vì những mâu thuẫn giữa Mỹ và các đối tác tiềm năng của Mỹ về quyền sở hữu trí tuệ. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là liệu Mỹ có cần nhượng bộ hay không trong lãnh vực quyền sở hữu trí tuệ để có thể thực hiện một liên minh kinh tế nhằm quân bình lực lượng với ảnh hưởng kinh tế-chính trị của Trung Quốc.
Một điểm đáng tranh luận khác là quan hệ giữa lao động và sáng tạo. Để khai thác giá nhân công rẻ tại thế giới đang phát triển, đặc biệt tại Trung Quốc, nhiều công ty phương Tây chủ yếu là Mỹ đã đưa hoạt động chế tạo (manufacturing) ra nước ngoài, tạo nên một sự cách ly giữa lao động và sáng tạo ngay chính trong công ty cũng như trên đất nước của mình. Do đó, một câu hỏi khác cần đặt ra là, làm sao người phương Tây đặc biệt là Mỹ vẫn tiếp tục phát huy sáng kiến của mình về các sản phẩm khi họ không còn trực tiếp tham gia vào tiến trình chế tạo các sản phẩm đó? Ý kiến cho rằng Hoa Kỳ là “một xã hội có tinh thần phát minh cao” có lẽ đúng với thế kỷ 20 hơn là với thế kỷ 21, khi Trung Quốc vận dụng những nhà máy của các công ty nước ngoài như những trường thực hành cho công nhân bản địa, giành lấy cơ hội “vừa học vừa làm”, vừa sao chép vừa sáng tạo, của người Mỹ trước đây.
Người dịch
_______________
Không ai biết chắc tại sao một số xã hội có nhiều sáng kiến hơn những xã hội khác. Hoa Kỳ là một xã hội có tinh thần phát minh cao, là nơi phát sinh một loạt công nghệ – máy bay, bom hạt nhân, Internet – đã biến đổi thế giới. Trái lại, Trung Quốc hiện đại lại thường bị chỉ trích về nạn sao chép tràn lan các phát minh và tác phẩm sáng tạo nước ngoài. Từng là quê hương của thuốc súng, công nghệ in, và nhiều phát minh khác làm biến đổi xã hội, Trung Quốc ngày nay nổi tiếng hơn các nước khác về hàng nhái gần như đủ mọi sản phẩm mà ta có thể tưởng tượng được: xe hơi, áo quần, máy vi tính, thức ăn nhanh, dược liệu, thậm chí nguyên cả những ngôi làng châu Âu. Hoa Kỳ cho ra đời chiếc iPhone, thì Trung Quốc cho ra đời chiếc HiPhone – bản sao rẻ tiền của một thiết bị có tính đột phá của Mỹ.
Một số người thấy được gốc rễ văn hóa sâu xa của nạn sao chép tràn lan tại Trung Quốc. Nhưng một quan điểm thông thường hơn thì cho rằng, Trung Quốc không có phát minh vì nước này thiếu những biện pháp mạnh mẽ và vững bền để bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nhiều luật gia và chuyên gia kinh tế tin tưởng rằng quyền sở hữu trí tuệ là thiết yếu vì chúng đảm bảo rằng phần thưởng kinh tế của phát minh sẽ thuộc về người phát minh. Lý luận này cho rằng, nếu không có những biện pháp bảo vệ như thế, hàng nhái sẽ phá giá và qua mặt hàng gốc. Việc này sẽ gây nên tình trạng khan vốn đầu tư trong lãnh vực phát minh. Lý luận cơ bản là rất dễ hiểu: công việc phát minh bền vững cần đến những luật sở hữu trí tuệ nghiêm khắc, và những nước quá rộng lượng đối với việc sao chép sản phẩm sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Và vì trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, việc sao chép diễn ra ở nước ngoài có thể gây tai hại giống hệt như việc sao chép diễn ra ở trong nước, lý luận này cũng làm cơ sở cho một loạt hiệp định quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ, mà hầu hết những quốc gia quan trọng đều phê chuẩn, trong đó có Hiệp định của WTO về các Khía cạnh Quyền Sở hữu Trí tuệ Liên quan đến Mậu dịch, được phê chuẩn năm 1994, và nhiều hiệp định song phương thậm chí còn nghiêm khắc hơn nữa, mà nhiều quốc gia đã ký kết kể từ thời điểm đó.
Là thành viên của WTO, Trung Quốc có bổn phận phải theo đúng những qui chế này. Nhưng sự tuân thủ của Trung Quốc còn nằm dưới chuẩn quá xa, khiếnWashingtonluôn bực bội. Tường trình với báo chí tại Nhà Trắng vào tháng Hai năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Robert Hormats gọi việc các hãng và các cá nhân Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ  tràn lan là “một vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo lắng”. Mặc dù những con số ước tính thiệt hại do việc Trung Quốc vi phạm tác quyền gây ra cho nền kinh tế Mỹ khác nhau quá xa và thay đổi theo giả định, nhưng Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ ước tính rằng chỉ nội trong năm 2011, số thiệt hại lên gần 50 tỉ Mỹ kim.
Đối với giới làm chính sách và lãnh đạo Mỹ, qui mô và phạm vi của nạn làm hàng nhái tại Trung Quốc có thể nói là tồi tệ; nhưng còn tồi tệ hơn nữa, đó là việc nó được khuyến khích bởi một chính sách công khai mệnh danh là “sáng kiến bản địa”. Theo một văn kiện hoạch định chính sách được chính phủ Trung Quốc đưa ra năm 2006, sáng kiến bản địa bao gồm “việc làm tăng giá trị của sáng kiến nguyên thủy thông qua việc đồng-phát kiến (co-innovation) và tái-phát kiến (re-innovation) dựa vào việc hấp thụ công nghệ nhập khẩu”. Thật là chính đáng, khiWashingtonxem văn kiện này như một cách Bắc Kinh bật đèn xanh cho việc vi phạm tác quyền. Chính phủ Hoa Kỳ coi việc kiềm chế nạn sao chép sản phẩm tại Trung Quốc là tối cần thiết, đã thúc đẩy Trung Quốc phải thay đổi đường lối – và kiện Trung Quốc trước WTO.
Nhưng sự lo lắng và giận dữ của Mỹ về việc Trung Quốc vi phạm tác quyền được đặt không đúng chỗ. Sao chép không phải là cái nạn dịch ghê gớm mà các lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà chính trị Mỹ thường cố tình vẽ ra. Thật vậy, sao chép không luôn luôn xung khắc với sáng kiến, mà thường là một phần quan trọng của sáng tạo. Dù việc sao chép có mặt tai hại, nhưng nó cũng có mặt hữu ích. Gần như tất cả mọi sáng tạo đều phải dựa vào công trình của người đi trước, và việc có thể tự do sao chép và cải tiến những thiết kế hiện có sẽ tiếp sức cho nhiều lãnh vực khác nhau như thời trang, tài chính và công nghệ phần mềm.
Đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc, sao chép có những lợi ích không thể cưỡng nổi, vượt khỏi việc đơn thuần là bán giá rẻ hơn các công ty cạnh tranh phương Tây. Nhiều người Trung Quốc đã tiếp thu những kỹ năng thiết kế và chế tạo quí giá bằng cách sao chép những hàng hóa nguyên thủy sản xuất ở nước khác. Kết quả của việc bắt chước này là những sản phẩm và dịch vụ vừa túi tiền, cho phép hàng triệu người Trung Quốc được hưởng những cái bề ngoài dễ chịu của một xã hội tiêu thụ. Và của cải được tạo ra do việc vi phạm tác quyền đã góp phần vào sự tăng trưởng của một giai cấp trung lưu Trung Quốc đang trỗi dậy, giai cấp tiêu biểu cho một vựa tiềm năng vĩ đại gồm những khách hàng mới cho các công ty phương Tây bán hàng thật.
Vì những lý do này, bất cứ một chính sách hợp lý nào đối với nền kinh tế hàng nhái của Trung Quốc đều phải bắt đầu bằng nhận thức thấu đáo rằng sao chép và sáng tạo có liên hệ mật thiết với nhau và rằng việc sao chép là một lực vừa tốt vừa xấu. Vì việc sao chép của Trung Quốc vừa mang lại những lợi ích vừa gây ra những thiệt hại, đồng thời nếu xét đến sự đề kháng mang tính lịch sử của Trung Quốc trước sức ép phương Tây, chúng ta sẽ đối diện một thực tế là, cố gắng thúc đẩy Trung Quốc thay đổi chính sách và cách hành xử là không xứng đáng với vốn liếng chính trị và ngoại giao mà Hoa Kỳ đang tiêu phí vì nỗ lực này.
HÀNG GIẢ CÓ THỰC CHẤT
Để hiểu rõ việc sao chép và phát kiến cùng tồn tại như thế nào tại Trung Quốc ngày nay,  chỉ cần nhìn vào Xiaomi (Tiểu Mễ), một trong những công ty công nghệ tăng trưởng nhanh nhất của Trung Quốc. Hoạt động chưa được bốn năm, Xiaomi đã bán được gần bảy triệu chiếc smartphone (điện thoại thông minh) và thu vào hơn bảy triệu yuan (tương đương 1,6 tỉ Mỹ kim) – những con số đầy ấn tượng đối với một công ty bán ra chiếc smartphone đầu tiên của mình vào tháng Tám 2011. Những chiếc điện thoại của Xiaomi trông quen thuộc vì nhiều thiết kế của công ty này bắt chước gần giống chiếc iPhone của Apple. Và thiết kế không phải là gợi ý duy nhất mà Xiao lấy từ Apple. Trong một buổi ra mắt sản phẩm gần đây, Lei Jun (Lôi Quân), người đứng đầu Xiaomi, đứng một mình trên sân khấu trong chiếc sơ mi đen, quần jean, và giày sneaker Converse đen – một hình ảnh quen thuộc đối với bất cứ ai đã từng thấy Steve Jobs, người sáng lập và là tổng giám đốc quá cố của Apple, giới thiệu sản phẩm mới tại một hội nghị Macworld [ở San Francisco]. Thông điệp của Lei thật rõ ràng: điện thoại của Xiaomi cũng tuyệt vời như điện thoại của Apple. Người tiêu thụ Trung Quốc như cá cắn câu, vui vẻ chấp nhận sản phẩm của Xiaomi, không hề có ảo ảnh về nguồn gốc của chúng: như một sinh viên Đại học Thượng Hải đã nói với The New York Timesgần đây: “Xiaomi làm hàng giả có thực chất (the real fake)”.
Tuy vậy, thành công của Xiaomi cũng dựa vào sự thể là công ty này không giống hẳn Apple. Ít ra nó cũng có một đặc điểm là, giá tiêu biểu của điện thoại do Xiaomi sản xuất chỉ bằng một nửa giá của đối thủ. Một điểm khác còn quan trọng hơn nữa, Xiaomi có một thái độ rất khác đối với việc phát minh. Apple có tiếng là sử dụng phương pháp tiếp cận đóng kín (closed approach) đối với việc phát triển sản phẩm. Công ty này tin tưởng rằng nó biết khách hàng mình muốn gì trước khi chính họ biết được điều này, do đó tiến trình thiết kế của Apple mang tính độc đoán. Trái lại, tiến trình thiết kế của Xiaomi hoàn toàn dân chủ. Cứ mỗi thứ sáu, Xiaomi đưa ra một loạt tin cập nhật phần mềm cho hệ điều hành di động của mình, một hệ thống dựa trên phần mềm nguồn mở Android của Google. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau đó, hàng ngàn người sử dụng ào ạt vào diễn đàn trực tuyến của Xiaomi để đề xuất những đặc điểm, chức năng, và thiết kế mới, cũng như phát hiện và giải quyết các lỗi phần mềm. Xiaomi đã dựa vào sự góp ý của người sử dụng để định dung lượng bộ nhớ cần được cài đặt trên điện thoại của mình, tầm quan trọng của chiều dày chiếc điện thoại đối với người sử dụng, và định xem điện thoại Xiaomi có nên cho phép người sử dụng chụp hình mà khỏi bấm nút hay không. Mặc dù Lei có thể ăn mặc giống Jobs, nhưng ông đã điều hành công ty mình rất khác.
Xiaomi không phải là công ty duy nhất vừa bắt chước vừa sáng tạo của Trung Quốc. Weibo (Vi Bác), dịch vụ mạng xã hội nổi tiếng nhất của nước này, có hàng trăm triệu người sử dụng. Công ty này xuất hiện năm 2009 như một phiên bản của Twitter không thèm che giấu. Từ đó đến nay, nó đã thêm vào nhiều đặc điểm để phân biệt mình với Twitter, bao gồm một hệ thống có tính tương tác cao hơn để người sử dụng cho ý kiến. Người ta có thể tranh luận rằng những cải tiến như thế làm cho Weibo trở nên có nhiều chức năng, và thích thú, hơn cả dịch vụ mà nó đã sao chép.
Một hàng nhái khác của Trung Quốc cộng thêm nhiều giá trị hơn nguyên bản là Youku (Ưu Khốc)– công ty này chỉ là một trong nhiều phiên bản Trung Quốc của YouTube. (Youku có thể dịch là “tuyệt vời”.) Khác với YouTube, Youku cho phép người sử dụng đưa lên mạng những video có chiều dài không hạn chế và khỏi cần chứng minh bản quyền. Điều này có nghĩa là Youku có khả năng làm máy chủ cho hàng trăm ngàn giờ lên chương trình bất hợp lệ. Nhưng dịch vụ này cũng hợp tác với hơn 1500 nhà cung cấp nội dung chuyên nghiệp để đưa đến người sử dụng những video hợp lệ, và dịch vụ Trung Quốc này còn đi xa hơn đối thủ Mỹ của mình rất nhiều trong việc cung cấp nội dung gốc. Thật vậy, Youku đã xuất hiện như một đối thủ nghiêm chỉnh của ngành truyền hình truyền thống tại Trung Quốc — một thắng lợi mà YouTube phải ganh tị.
CỨ SAO CHÉP VÔ TƯ
Quan niệm thông thường là sai lầm khi cho rằng phát kiến và bắt chước tự bản chất là xung khắc nhau. Trong một cung cách tương tự, quan niệm này cũng sai lầm khi chủ trương rằng Hoa Kỳ phải đi theo một đường lối rất cứng rắn để chặn đứng nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc. Thật vậy, đường lối nặng tay củaWashingtonđối với văn hoá hàng nhái của Bắc Kinh là quá thô bạo và phản ánh một quan điểm ngây ngô về sáng kiến. Đường lối này cũng không có khả năng thành công, vì Hoa Kỳ khó khắc phục được những động cơ mạnh mẽ đã thúc đẩy những công ty và cá nhân Trung Quốc phải tùy thuộc vào việc sao chép sản phẩm nước ngoài.
Các công ty chế tạo Trung Quốc chiếm được thị phần (market share) tại Trung Quốc và những nước khác bằng cách cống hiến những phiên bản giá rẻ của các sản phẩm phương Tây. Qua quá trình sao chép, những công ty này vừa học vừa làm, thu thập những kỹ năng cần thiết để cải thiện các tiến trình sản xuất và sau cùng tự mình có thể sáng chế. Tự do sao chép cũng có một tầm ảnh hưởng xã hội quan trọng tại Trung Quốc. Một sản phẩm phụ nghiêm trọng do sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của nước này là tình trạng bất bình đẳng đang tăng vọt. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Tài chính-Kinh tế Tây Nam, tại Thành Đô, cho thấy rằng Trung Quốc hiện nay là một trong những xã hội bất bình đẳng nhất trên trái đất. Hệ số Gini của Trung Quốc là 0,61 – hệ số Gini là một thước đo bất bình đẳng kinh tế, với số không (0) chỉ tình trạng bất bình đẳng ít nghiêm trọng nhất và số một (1) chỉ tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng nhất. Chỉ số đó đã đặt Trung Quốc ngang hàng vớiBotswanavàHaitinếu xét về tình trạng bất bình đẳng. Đây là một công thức dẫn đến bất mãn xã hội nghiêm trọng, nhất là khi giới nghèo khổ tại Trung Quốc ngày càng trông thấy những tiện ích mà xã hội tiêu thụ đương đại có thể cống hiến.
Điều này giúp ta hiểu được hiện tượng shanzhai (sơn trại) độc đáo Trung Quốc. Dịch theo nghĩa đen, shanzhai nghĩa là “đồn lũy trong núi” hay “sào huyệt của bọn cướp”. Nhưng theo cách dùng hiện nay, shanzhai chỉ hàng nhái giá rẻ, như các toà nhà (kể cả những ngôi làng Trung Âu dỏm mọc lên ở các vùng ngoại ô Trung Quốc), các cửa hàng (như các cửa hàng Apple dỏm tại Côn Minh bán sản phẩm Apple thật nhưng được tân trang lại) và thậm chí cả các sự kiện (chẳng hạn cuộc rước đuốc Olympic dỏm mà dân chúng các vùng quê Trung Quốc tổ chức khi cuộc rước đuốc chính thức đi qua miền của họ). Nhưng cũng như nhiều thứ khác ở Trung Quốc, ý nghĩa của shanzhaiđang thay đổi sâu sắc. Như nhật báo The Wall Street Journalnhận xét gần đây: “Trước đây nó là một từ dùng để chỉ một cái gì rẻ tiền hay kém chất lượng, ngày nay đối với nhiều người,shanzhai nói lên một trình độ khôn ngoan khéo léo nhất định của người Trung Quốc”. Thật vậy, Bắc Kinh tỏ ra tin tưởng rằngshanzhai là một cái gì cần nuôi dưỡng. Năm 2009, một quan chức của Cục Bản quyền Quốc gia Trung Quốc tuyên bố rằng “shanzhai biểu lộ óc sáng tạo văn hóa của người dân bình thường”. Ông nói thêm, “Nó đáp ứng một nhu cầu thị trường, do đó dân chúng thích nó”. Tất nhiên, văn hóa shanzhai ở một mức độ nào đó cũng thích hợp với nhận thức sau đây: Chính quyền Trung Quốc hi vọng rằng sự tự do sao chép tương đối này có thể giúp làm nhẹ bớt hoặc chí ít che đậy hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng  khoét sâu tại Trung Quốc.
Nhưng việc làm hàng nhái được dung dưỡng, và thậm chí có người cho rằng được khuyến khích bởi chính quyền Trung Quốc, không nhất thiết là một tai họa đối với các doanh nghiệp phương Tây. Dân số khổng lồ của Trung Quốc vẫn còn nghèo, và ít ai có thể mua sắm hàng hóa phương Tây. Do đó, hàng nhái  sản phẩm phương Tây không nhất thiết biểu hiện sự mất mối (lost sales). Thay vì như vậy, chúng thường đóng chức năng quảng cáo hữu hiệu cho hàng gốc (the originals): những sản phẩm mở đường này, về lâu dài, có khả năng thúc đẩy nhu cầu đòi hỏi hàng thật khi giai cấp trung lưu hiện đang đâm chồi của Trung Quốc trở nên lớn mạnh. Chẳng hạn, một số tiệm bánh mì xăng-đuýt Trung Quốc đang sao chép dáng vẻ và món ăn của chuỗi Subway, một công ty bán thức ăn nhanh của Mỹ. Các lãnh đạo Subway, một cách khôn ngoan, không phản ứng quá đáng. Alexander Moody Stuart, giám đốc quản lý của chuỗi hàng ăn nhanh này, gần đây đã nói với The Wall Street Journalrằng đối với một thương hiệu phương Tây như Subway, đang ra sức tạo ý thức quần chúng về một loại thức ăn mà người Trung Quốc không quen ăn, “việc nhái lại (mimicking) không hẳn là một điều xấu”. Trong một thị trường khổng lồ nhưng phần lớn chưa được khai thác như Trung Quốc, việc dân chúng tiếp xúc với sản phẩm (exposure) và viễn ảnh tăng trưởng của các loại hàng thật trong tương lai có thể khuynh loát được thị phần to lớn của hàng giả ngày nay. Và mặc dù sản phẩm shanzhaiđược người mua ca ngợi, nhưng những người Trung Quốc nào có điều kiện thì thường mua sản phẩm gốc.
Không lãnh vực nào minh họa bản chất nghịch lý của hàng nhái Trung Quốc rõ nét hơn các loại hàng xa xỉ. Theo phân tích năm 2012 của công ty tư vấn Bain & Company, cái đất nước đã một thời ép buộc công dân mình phải mặc áo kiểu Mao đã trở thành thị trường xa xỉ phẩm lớn nhất thế giới, thậm chí qua mặt cả Hoa Kỳ. Thị trường này không chỉ bán túi xách và các phụ kiện. Theo tin tức gần đây của Beijing Review, vào năm 2012, hãng Bentley Motors bán ra thế giới 8.510 chiếc xe, thì có đến 2.253 chiếc được bán tại Trung Quốc, biến thị trường này thành thị trường lớn thứ hai của thương hiệu. Thậm chí đối với cả Apple, lãnh địa của HiPhone vẫn còn sinh lãi: doanh thu của Apple tại Trung Quốc trị giá gần 25 tỉ Mỹ kim một năm, chỉ đứng sau doanh thu của nó tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, Trung Quốc là nơi duy nhất trên thế giới mà lượng hàng bán ra của Apple đã gia tăng vào quí đầu năm 2013.
Như vậy, kinh tế hàng nhái Trung Quốc – đôi khi được cải thiện dọc đường – cho phép đưa sản phẩm đến tận tay người dân trung bình tại đây và trong tiến trình này giúp Trung Quốc và các công ty Trung Quốc có khả năng phát triển và cạnh tranh ngắn hạn. Còn về lâu dài, việc công khai sao chép sản phẩm nước ngoài có thể tạo nhu cầu đối với các sáng kiến phương Tây. Như Bill Gates, một trong hai người sáng lập Microsoft và không được coi là người có quan điểm khoan dung về quyền sở hữu trí tuệ, đã nói đến việc Trung Quốc sao chép các sản phẩm phần mềm bằng phát biểu nổi tiếng sau đây: “Chừng nào mà họ có ý định ăn cắp phần mềm, chúng tôi muốn họ ăn cắp phần mềm của chúng tôi. Rồi họ sẽ bị ghiền, và sau đó chúng tôi sẽ tìm cách thâu tiền ở một thời điểm nào đó trong thập kỷ tới”.
 NHỮNG TÊN CƯỚP GỘC
Có lẽ điều quan trọng nhất cần phải nhận thấy về nền kinh tế hàng nhái của Trung Quốc là, chính bản thân nền kinh tế này là một bản sao [của một mô hình đi trước]. Khi Hoa Kỳ mới bắt đầu vươn tới địa vị giàu có và quyền lực trong lịch sử, nước này cũng là một quốc gia chuyên vi phạm tác quyền (a pirate nation) giống hệt như Trung Quốc ngày nay. Vào các thế kỷ 18 và 19, Vương quốc Anh là mục tiêu hàng đầu của đạo tặc Mỹ, tức những gián điệp kinh tế tập trung nỗ lực vào công nghiệp hàng dệt nước Anh. Các doanh nhân Mỹ tìm cách sao chép các thiết kế bí mật của Anh để chế tạo khung cửi và xây dựng nhà máy, và chính phủ Hoa Kỳ đứng ở thế sẵn sàng để giúp đỡ họ.
Cũng như tại Trung Quốc hiện nay, phát minh qua việc bắt chước (imitative innovation) là chính sách nhà nước (official policy): luật pháp ban đầu của Mỹ cấm các nhà phát minh nước ngoài lấy bằng sáng chế tại Hoa Kỳ về những phát minh mà họ đã được cấp bằng tại những nơi khác, và những rào cản đáng kể vẫn còn tồn tại cho đến những năm sau cùng của thế kỷ 19. Luật bản quyền Hoa Kỳ lúc bấy giờ cũng tương tự như luật Trung Quốc hiện nay, công khai từ chối bất cứ sự bảo vệ nào đối với tác giả nước ngoài. Mãi cho đến năm 1891, lệnh cấm này mới được bãi bỏ, và thậm chí lúc bấy giờ, các tác giả nước ngoài vẫn còn bị buộc phải in sách của họ tại Hoa Kỳ như một điều kiện để được bảo vệ bản quyền. Mãi cho đến thập niên 1980, đòi hỏi này mới hoàn toàn biến mất khỏi luật pháp Mỹ. Người thụ hưởng nổi tiếng nhất của những luật bản quyền này là Benjamin Franklin – ông tái xuất bản tác phẩm của các nhà văn Anh mà không hề xin phép họ hoặc trả tiền tác quyền cho họ. Người Anh đã khiển trách người Mỹ thậm tệ về đường lối sao chép này; Charles Dickens phản ánh sự bức xúc của những nhà văn Anh nổi tiếng khác khi ông than thở về “cái công lý tuyệt vời không hề cho tôi hưởng lấy một đồng xu do việc người Mỹ bán một lượng sách khổng lồ gồm tất cả mọi tác phẩm của tôi”.
Tuy vậy, trường hợp của Dickens cũng chứng minh sự vi phạm tác quyền đôi khi cũng có lợi cho tác giả như thế nào. Việc người Mỹ sao chép rộng rãi các tác phẩm của ông khiến nhiều người biết đến tên ông, biến Dickens thành một siêu sao văn học ở Hoa Kỳ. Vào thời điểm 1867 – 68, Dickens thực hiện một vòng diễn thuyết hoành tráng tại nước này, thu vào hơn 19.000 bảng Anh, hay tương đương với 1,75 triệu Mỹ kim ngày nay. Khi Dickens qua đời, chỉ hai năm sau, hơn 20% gia tài của ông là do chuyến du thuyết tại Mỹ mang lại.
Những điểm tương đồng này giữa quá khứ của Hoa Kỳ và hiện tại của Trung Quốc đặt sự hoang tưởng (paranoia) hiện nay của Washington về việc Bắc Kinh vi phạm tác quyền vào một cái nhìn toàn cảnh. Việc sao chép đã cho phép kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng vào thế kỷ 18 và thế kỷ 19 như thế nào, thì ngày nay nó cũng cho phép Trung Quốc tăng trưởng như thế ấy. Và người Anh đã cường điệu mối đe dọa kinh tế do việc người Mỹ sao chép sản phẩm của họ lúc bấy giờ như thế nào, thì ngày nay mối đe doạ của Trung Quốc cũng bị thổi phồng như thế ấy.
Nói vậy không có nghĩa là ta phải đặt tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ ở mức thấp nhất. Thật ra, quyền sở hữu trí tuệ là rất thiết yếu trong các lãnh vực như ngành dược, nơi mà chi phí cho việc phát triển các loại thuốc là đặc biệt tốn kém. Nhưng việc tăng cường tác quyền không luôn luôn dẫn đến kết quả tốt đẹp hơn. Quyền sở hữu trí tuệ có thể ngăn cản cũng như khuyến khích sáng kiến; chúng kiềm chế sự cạnh tranh ngay cả khi chúng khích lệ óc sáng tạo. Quan trọng hơn hết, vì mỗi sáng kiến đều dựa vào những điều đã có từ trước, việc bảo vệ tác quyền quá bao trùm sẽ giới hạn các nguồn cảm hứng có giá trị. Muốn làm một cái bẫy chuột tốt hơn, người ta cần được tự do dựa vào những cái bẫy chuột đã có từ trước. Giống hệt như Apple đã vay mượn từ Xerox ý tưởng kết hợp con chuột máy vi tính với một màn hình có các biểu tượng (chứ không chỉ dùng chữ viết trên màn hình) – mà kết quả là chiếc máy vi tính có màn hình biểu tượng (desktop computer) ngày nay – hàng triệu nhà phát minh khác cũng dựa vào tác phẩm của người khác, đồng thời cải tiến chúng.
Trung Quốc thông qua các luật lệ hiện đại đầu tiên của mình về bằng sáng chế và thương hiệu vào thập niên 1980 và luật bản quyền đầu tiên năm 1990. Luật sở hữu trí tuệ vẫn còn là một hiện tượng tương đối mới mẻ trong một xã hội tập trung cao độ vào nỗ lực bành trướng tăng trưởng kinh tế và duy trì ổn định xã hội. Người ta không thể trông mong thái độ và thói quen của người Trung Quốc đối với việc sao chép sản phẩm nước ngoài có thể thay đổi nhanh chóng. Khi kinh tế Trung Quốc tiến xa hơn nữa, có lẽ cán cân lợi ích sẽ thay đổi, và nước này có thể sẽ theo đuổi một đường lối ít tùy tiện hơn. Hiện nay, biết đặt nạn sao chép tại Trung Quốc vào một viễn kiến và biết nhận ra những ưu điểm cũng như những tai hại của nó là một điều rất quan trọng. Trước hết, Hoa Kỳ nên xét đến lịch sử của chính mình, lịch sử của một quốc gia cũng từng vi phạm tác quyền – và nên giảm bớt căng thẳng.
____________
Kal Raustilia là Giám đốc Trung tâm Burkle về Bang giao Quốc tế tại Đại học California, Los Angeles, (UCLA) và là Giáo sư Trường Luật của UCLA. Christopher Sprigman là Giáo sư Nghiên cứu tại Trường Luật của Đại học Virginia. Cả hai là tác giả cuốn The Knockoff Economy: How Imitation Sparks Innovation (Nền Kinh tế hàng nhái: Việc bắt chước đã châm ngòi cho sáng kiến như thế nào).
Nguồn: Kal Raustilia  và Christopher Sprigman, “Fake It Till You Make It The Good News About China’s Knockoff Economy”,Foreign Affairs tháng Bảy /Tám 2013

Mỗi chuyện nhỏ,một bài học.(Lê Duy Đoàn)

Mỗi chuyện nhỏ,một bài học.

Trong đời chúng ta, có những chuyện nhỏ nhưng bài học rút ra từ đó đôi khi ảnh hưởng nhiều đến nhân cách chúng ta, nhất là những chuyện đó do những người thân của chúng ta đã làm hay đã nói với chúng ta.
1.                 Chơi như rứa là ác:
Lúc còn bé, tôi là đứa bé nhác học ham chơi. Người ta hay nói là cần cù bù thông minh còn tôi thì ngược lại, chỉ có chút ít thông minh để bù vô chỗ nhác học. Đôi khi tôi đi qua nhà người bạn cùng lớp cạnh nhà chơi, về nhà bị ba tôi la “sao không lo học bài ngày mai”, tôi trả lời” dạ con học rồi”. Ba tôi không tin hỏi là “học khi mô mà ba không thấy” tôi đem sách vở ra cho ba tôi kiểm tra bài thì tôi đọc vanh vách bài ngày mai. Ba tôi ngạc nhiên “thằng ni học khi mô mà mình không thấy hắn học chi cả”. Ba tôi đâu có biết, ngồi chơi nghe người bạn học bài lớn tiếng, tôi nghe qua vài lần là thuộc ngay, khỏi mất công ngồi học.
Nói cái chuyện ham chơi của tôi thì dài dòng lắm. Con nít trai gái trong xóm chơi trò chi thì tôi cũng chơi với chúng trò ấy. Chơi sa đà. Một khu vườn rộng sau nhà ông Tư nhiều cây cối im mát là nơi tôi sử dụng  không biết cơ man nào là vũ khí tự chế bằng gỗ, tầm vông: kiếm, đao, truờng côn, côn nhị khúc, cung tên, phi tiêu, ná thun, … những cây mít cây nhãn, những bụi chuối sứ là những đối thủ cứ đứng yên cho tôi tha hồ quần thảo như một võ sĩ thứ thiệt. Đôi khi tôi bị sưng mắt ,sưng mũi vì vũ khí trở quẻ gỏ vào đầu mình. Những khoảng sân đất rộng rãi của nhà bác Phượng, mệ Ký, sân chùa là nơi chúng tôi chơi bi,căn cù, ù mọi, nhảy dây, bắt tường, đánh xu, đánh đáo,tạt lon, chơi con quay. Dọc đường quốc lộ có nhiều khu vườn rộng với những hàng chè tàu là nơi chúng tôi chơi trò trốn tìm vào buổi tối. Lạ một điều là tôi chun vô trốn chỗ nào cũng có một hai đứa con gái chun vô theo. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ hương tóc của mấy cô nàng trốn chung một chỗ thời nhỏ dại. Bây giờ kể lại chuyện xưa, mấy mệ ấy nói “dị òm, hồi đó người ta ngây thơ, răng mà “ấy” ranh mương rứa hè?!” Chun vô theo mà nói người ta ranh mương, lạ thật. Có khi cả bọn con trai rủ nhau leo lên thành hái keo, thả diều,đánh giặc giả ném đất vào nhau, đi hái trái phượng dọc đường gần Phú văn lâu, hái đào nhà dì Hai, bẻ dừa nhà bác Giáp hay bẻ bắp, đào khoai dưới biền.
Một hôm tôi lấy dao gọt một cái lỏi trục chỉ bằng gỗ , cắm vô lổ trục chỉ một cây đủa tre rồi trau chuốt cho trục chỉ thành một cái bông vụ( con quay). Tôi kiếm một cái que ngắn, cột chắc vào đầu que một sợi dây dù. Làm xong tôi ra sân quấn dây vào con quay rồi ném và giật mạnh tạo lực quán tính để con quay quay đều. Chốc chốc, tôi lại dùng roi dây quất vào con quay vun vút để con quay không dừng lại mà cứ quay hoài. Tiếng quất roi dây nghe vút vút, tiếng dây đập xuống đất nghe chát chát.
Bà nội tôi nghe tiếng roi dây quất con quay, vội chạy ra sân, hốt hoảng nói với tôi: “ Cháu vô đây, vô đây” Tôi thất kinh tường có chuyện chi nghiêm trọng xảy ra. “ Cháu dẹp đi, đừng chơi trò đó nữa cháu”  “Trò chơi ni vui, răng cháu không được chơi?” “ Chơi như rứa là ác lắm!” “Chơi con quay mà ác? Chi lạ rứa Mệ?”
“ Ác lắm cháu ạ, người ta đã bỏ chạy mà mình còn rượt theo mà đánh trí mạng, tội nghiệp lắm”. Mệ tôi không nhìn thấy đó là một cái con quay vô tri vô giác mà mệ nhìn ra một con người khốn khổ nào đó đã trốn chạy mà cứ bị rượt theo đánh đập tàn nhẫn !
2.     Ngày mai tôi ăn chi.
O Khém, ở ngoài cửa Chánh Tây, thường đi coi bói dạo. Nhiều người tin ngồi đặt quẻ cho O coi vận hạn. Ba tôi luôn nói với chúng tôi “ Bói ra ma ,quét nhà ra rác” để chỉ ra chuyện bói toán không đáng tin.
Một buổi xế trưa, O Khém ghé nhà gặp Ba tôi O mời “Anh coi một quẻ mở hàng, sáng ni ế quá”. “ Được, O coi cho tui một quẻ, nếu O nói đúng thì tui coi tiếp.” O Khém mừng. Ba tôi đặt tiến quẻ xong hỏi O “ O nói cho tui biết, ngày qua tui ăn chi, sáng ni tui ăn chi và ngày mai tui ăn chi” “ Anh giởn chi ác rứa? Nói lác lác. Anh ăn chi mần răng tui biết!?” “ Sáng qua là quá khứ, sáng ni là hiện tại, sáng mai là tương lai. Gần như rứa mà O không đoán được thì làm răng tui tin được những chuyện xa hơn?”  Nói thí nói vậy nhưng Ba tôi vẫn biếu O Khém tiền đặt quẻ.
 O nói” Cái anh ni hiện ngụy nờ”.
3.     Bị bắt vì xài tiền giả:
Lúc sinh tiền, ba tôi lo chuyện cúng kiếng trong họ hàng và gia đình rất đàng hoàng. Ông luôn chống lại thói mê tín dị đoan. Lần nào cúng ở nhà tôi, O tôi cũng thường mang vào một bộ đồ giấy vàng mã. Cái mũ, cái dù, cái rương, mấy bộ áo dài khăn đóng hay áo cổ kiềng, đôi giày hạ kèm theo mấy xấp giấy tiền, giấy vàng, giấy bạc ( miếng giấy bổi hình vuông có quệt một chút vàng, chút bạc ở giữa), đôi khi có vòng, có xuyến nữa. Như thế gọi là một bộ đồ cúng để cho người đã khuất có đủ đồ dùng khỏi thiếu thốn, lạnh lẽo. Tất cả đồ hàng mã đó đều làm bằng nan tre, phất bồi bằng giấy màu xanh đỏ kèm theo những hoa văn họa tiết chạm đục trên giấy ánh kim.
Một hôm, O tôi mang bộ đồ vàng mã vào cúng ông nội, ba tôi dương cây dù giấy lên, đẩy mạnh một cái như dương cây dù thường dùng. Nghe soạt một cái, những nan tre  bên trong xé toạt tấm giấy màu đen bao bên ngoài chỏng gọng . Cây dù hàng mã biến dạng dúm dó. Thấy vậy, O tôi bật khóc ngon lành và vùng vằng bỏ về không tham dự lễ kỵ nữa. Ba tôi phải đến nhà xin lỗi xin phải hết hơi O tôi mới nguôi giận.
Sợ mất lòng chị nên ba tôi xin lỗi nhưng khi ngồi riêng với chúng tôi ba tôi nói: “Áo quần may đo, đôi khi còn mặc không vừa người. Bây giờ còn ai đi giày hạ nữa? Ai đội mũ phớt? Ra mốt mới là mốt cũ xếp xó hay vất bỏ. Bây giờ người ta dùng vali Samsonite chứ ai dùng cái tráp, cái rương vuông vức cổ lổ sỉ như thế. Cái dù mới dương lên đã rách nát làm sao mà dùng. Cỏi dương trần thế nào thì cỏi âm củng như vậy . Bây giờ ai dùng tiền xu từ thời “ Minh mạng thông bảo”? Tiền giấy đô la cúng cả vạn  đô? Ở dương gian mình làm ra một trăm đô la là chảy máu mắt, có mô cả vạn đô để cúng ông bà? Nhãm nhí rứa mà người ta vẫn làm, vẫn mê tín? Không khéo, gửi tiền ni đến cho ông bà cha mẹ, mới cầm đi xài thì họ đã bị cảnh sát nơi đó còng tay vì tội xài tiền giả?”.
4.      Bia rượu:
Buổi chiều khi xong công việc, ba tôi thường ra ngồi trên cái sập kê trước tủ hàng vải  cái quán tạp hóa của mẹ tôi. Ông tìm một chai bia cao con cọp có hai chuổi hoa houblon hai bên, lúc đó người ta gọi là “ chai bia trái thơm”, tin rằng chai bia đó là chai bia ngon đặc biệt ( mỗi két chỉ có một chai). Khi nào ông cũng kêu tôi cùng ngồi cưa đôi chai bia với ông. Ly bia thêm một chút đường dậy bọt trở nên đậm đà hơn. Ba tôi thường nói: “ Chỉ nên uống bia chứ đừng nên uống rượu. Bia uống vừa phải thì tốt chứ uống để say mèm thì đó là thuốc độc. Không ai nói là “ông say rượu” mà đứa con nít cũng thường hay gọi ông già say rượu chân nam đá chân xiêu là” thằng say rượu”. Uống bia rượu tiền của người ta đải mình mà uống cho cố đến nổi cho chó ăn chè là tham ăn tham uống đáng khinh, uống bia rượu tiền của mình mà như vậy đã phung phí mà còn hại sứ khỏe.”
5.     Thi ân bất cầu báo:
Em gái kế út của tôi đi sinh, chị nó ngồi chờ bên ngoài. Một bà mẹ có con sinh phòng bên cạnh bắt chuyện. Khi biết em tôi là con Bà Dung, là dâu ở làng An ninh Hạ, bà ấy cầm tay, chảy nước mắt và nói với em gái tôi: “ Mạ con là người nhân hậu vô cùng. Gia đình O nợ ơn nợ nghĩa của mạ con không biết mần răng mà trả cho hết. Hồi trước, O túng quẩn, nhà lại có việc bi đát phải lấy giấy tờ nhà đi vay nóng lãi cao. Tiền mô mà trả nổi, lãi mẹ đẻ lãi con, người ta đến xiết nhà, quăng đồ đạt, đuổi cả nhà  O ra ngoài đường. Mạ con thấy tình cảnh của O quá thảm mới bỏ tiền ra trả nợ cho O để lấy lại giấy tờ nhà và nói là khi mô có tiền trả lại mạ con cũng được. Số tiền lớn lắm chứ có phải ít ỏi chi mô. Mạ con còn cho tiền O để sắm một gánh đậu hù và vốn xoay để có sinh kế nuôi gia đình”.
Hỏi Mẹ tôi O đó là ai, mẹ tôi lãng qua chuyện khác và trả lời: “ Chuyện xưa lắm rồi ,Mạ không nhớ”.  Mẹ tôi có trí nhớ tuyệt vời tôi không sánh kịp làm sao mẹ tôi không nhớ chuyện đó được?
6.     Đốt sổ nợ:
Năm 1968, nhà chúng tôi ở phường Phú Thạnh là vùng giao tranh ác liệt.Dọc con đường Thống nhất, hầu hết nhà cửa bị bom đạn phá sập. May mắn là nhà tôi và cái quán tạp hóa của mẹ tôi chỉ bị nứt tường và vết mảnh bom đạn trên mái tôn và vách nhà. Mẹ tôi đã qua cơn bạo bệnh và cả nhà an lành trở về nhà.
Trong việc mua bán, mẹ tôi làm hai cuốn sổ.
Một cuốn sổ ghi nợ, gồm những người mua chịu, mua thiếu tới tháng trả. Nhiều người cứ nợ hoài vì túng quẩn nhưng mẹ tôi vẫn bán tới cho họ. Có những người vay tiền với lãi thấp cũng ghi vô sổ đó.
Một cuốn sổ ghi tiền góp ngày. Mỗi ngày người ta góp một số tiền , đến cuối kỳ góp sáu tháng hay một năm, họ nhận lại tiền góp cọng với tiền lãi. Một kiểu bỏ ống heo mà có lãi.
Thấy làng xóm tang hoang, mất nhà mất cửa, đời sống bà con xóm giềng bấp bênh nhà mình còn như ri là đại phước, mẹ tôi đem sổ nợ ra châm lửa đốt, chỉ giữ lại sổ góp của bà con mà thôi.
7.     Chẳng thà cầm tiềncho:
 Ba tôi dặn dò chúng tôi : “ Các con cố gắng đừng mượn nợ và tránh cho mươn nợ. Người ta mượn tiền,không trả được hay không muốn trả thì họ sẽ tránh mặt mình. Đòi nợ thì họ giận họ tránh, không đòi thì mình ấm ức. Tốt nhất, khi người ta túng hỏi vay nợ mình, mình dư dả thì đem tiền cho người ta, đừng cho mượn. Bạn bè mượn nợ, thế nào cũng mất bạn.”
Tôi nhiều lần nhẹ dạ thương người mà cho người ta mượn tiền. Chẳng ai trả lại. Mất bạn luôn.
Có một người bạn chí thân, năm 1974 đến nhà than với tôi là người đẹp của anh ấy lỡ có bầu rồi, bây giờ phải tổ chức cưới gấp. Lúc đó anh ấy nghèo nên năn nỉ tôi cho mượn 5 chỉ vàng để sắm sanh lễ vật. Vợ tôi là người tốt bụng, nghe tôi kể hoàn cảnh của bạn thì vui vẻ mở tủ lấy ra cho mượn ngay. Lúc vợ khai hoa nở nhụy, anh ấy lại đến mượn 2000 đồng để lo chi phí sinh nở (thời điểm đó 2000 đồng khá lớn). Chúng tôi cho mượn tiền và cho mượn luôn chiếc xe Honda dame để đi lại.
Bây giờ, anh ấy giàu có. Có nhà cửa khang trang, có vườn rộng hơn ngàn mét vuông ở mặt tiền con đường đẹp thành phố, có xe hơi, chơi cây cảnh đầy vườn,mỗi cây vài chục triệu đồng. Từ khi mượn tiền lúc dầu sôi lửa bỏng cho đến bây giờ gần 40 năm, anh ấy chẳng bao giờ đề cập đến 5 chỉ vàng đầy ân tình như thế! Tôi chẳng hề đòi nợ nhưng tự hỏi sao người ta không sợ chuyện “kéo cày trả nợ” nhỉ?
8.     Ác quá:
Anh Trần là bạn tâm giao của tôi. Chúng tôi cùng học một khóa sư phạm và có sự đồng điệu trong nhiều lảnh vực đời sống nên giao tình thân thiết. Anh ấy qua định cư và đã đậu Tiến sĩ ở Mỹ.
Ngày cuối trong một lần Trần về thăm quê, chúng tôi đi chơi với nhau. Tôi đèo anh ấy đến thăm các anh Trần Tuấn Mẫn và anh Nguyễn văn Nhật ở văn phòng báo Văn Hóa Phật Giáo rồi đi đến tòa soạn báo Giác Ngộ. Xế trưa, Trần rủ tôi ra một quán ăn ở bờ kè sông Sài gòn, gần đường Trần Não, quận 2.
Ngồi dưới tàn cây bàng rợp bóng bên bờ sông, dù buổi trưa oi nồng nhưng gần sông nước nên không khí  mát mẻ dễ chịu. Đưa bản thực đơn cho tôi, Trần bảo tôi gọi món ăn. Toi thấy dọc đường Phạm ngũ Lão cạnh nhà tôi có nhiều quán lẩu cá kèo đông khách. Tôi chưa hề ăn nhưng bụng nghĩ thầm khách đông như thế thì hẳn món ăn ngon và hấp dẩn.Tôi gọi cái lẩu cá kèo vì nghĩ rằng món lạ chắc bạn sẽ thích.
Lát sau, người phục vu bàn đem ra một cái lò nấu cồn khô và một cái chảo nhôm có nước nêm sẵn gia vị. Một dĩa bún, dĩa rau mùi và măng chua. Trên tay anh ta một cái túi ni long đựng khoảng mươi con cá kèo còn sống chen nhau vùng vẫy.
Trần ngạc nhiên: “ Cái gì đây, ăn cách răng đây?” “ Dạ, cứ như vậy thả vô nước sôi”. Cầm bịch cá trên tay, Trần tần ngần: “ Không phải làm sẵn à?” “ Dạ ăn thế này mới ngọt nước!”. Trần quyết định nhanh : “ Bây giờ tui không ăn món ni, tui gọi món khác được không? Hỏi ông chủ bịch cá ni giá bao nhiêu tui trả” Chúng tôi gọi một cái lẩu cá thát lát, hổ qua thay cho cái lẩu cá kèo.
Khi người phục vụ đi vào trong , Trần thừ người nhìn ra một chỗ xa xăm nào đó và buộc miệng: “ Ác quá”.
Tôi cũng ngớ người ra vì đã từng ăn lẩu cá kèo lần nào đâu mà biết.
 “ Dạ chín chục ngàn” Biết là bịch cá kèo mươi con mà giá đó là quá đắt, nhưng Trần vẫn vui vẻ móc tiền ra trả. Xong, Trần mở túi ni lông thả ngay mấy con cá xuống sông. Mấy con cá chìm xuống  rồi quẩy đuôi ngoi lên mặt nước vùng vẫy như nói lời cám ơn. Trần mĩm cười rạng rỡ.
Lê Duy Đoàn
Sài gòn, ngày 8/7/2013

Chủ nghĩa tư bản và tình trạng bất bình đẳng (Trần Ngọc Cư dịch – Kỳ 3)

Tháng 6 27, 2013

Jerry Z. Mulle
Trần Ngọc Cư dịch
Gia đình và vốn con người

Cánh Hữu và cánh Tả sai lầm ở những điểm nào (3)

Trong môi trường toàn cầu hóa, tài chính hóa, hậu công nghiệp ngày nay, vốn con người là quan trọng hơn bao giờ hết trong việc quyết định những cơ may trong đời. Điều này khiến vai trò của gia đình trở nên quan trọng hơn cũng bởi vì, các nguồn lực do gia đình truyền lại cho con cái có xu thế định đoạt rất nhiều cho sự thành công ở nhà trường và nơi làm việc, như phát hiện luôn lặp lại của mọi thế hệ các nhà nghiên cứu xã hội và khiến họ tiu nghỉu. Như chuyên gia kinh tế Friedrich Hayek đã vạch ra nửa thế kỷ trước trong cuốn The Constitution of Liberty (Hiến pháp của Tự do), trở ngại chính cho sự bình đẳng về cơ hội là ta không thể tìm được một cơ chế tốt hơn để thay thế những vị phụ huynh thông minh hay những gia đình biết bồi dưỡng tình cảm và văn hóa cho con cái. Theo một nghiên cứu gần đây của hai nhà kinh tế Pedro Carneiro và James Heckman, “Những khác biệt về trình độ kỹ năng nhận thức (cognitive skills) và các kỹ năng không thuộc phạm vi nhận thức (noncognitve skills) xuất hiện sớm trong đời người và tồn tại mãi. Có chăng là, học vấn chỉ đào sâu thêm những khác biệt đầu đời này mà thôi”.
Vốn di truyền nằm dưới nhiều dạng thức khác nhau: cơ cấu gien (genetics), sự nuôi dưỡng trước và sau khi đứa trẻ sinh ra, và các định hướng văn hóa được truyền đạt trong gia đình. Hẳn nhiên, tiền bạc cũng quan trọng, nhưng thường không quan trọng bằng những yếu tố gần như không liên quan đến tiền bạc này. (Sự hiện hữu nổi bật của sách báo trong một hộ gia đình là dấu hiệu con cái đạt điểm cao ở học đường, chứ không phải là lợi tức của gia đình đó.) Qua thời gian, nếu xã hội được tổ chức dựa vào chế độ nhân tài, vốn di truyền gia đình và phần thưởng thị trường sẽ có có xu thế gắn bó với nhau. Những cha mẹ có học vấn thường có khuynh hướng đầu tư thêm thì giờ và năng lực cho việc chăm sóc con cái, thậm chí khi cả cha lẫn mẹ đều bận việc ở sở làm. Và những gia đình có vốn con người phong phú có khả năng sử dụng hiệu quả hơn những phương tiện giáo dục cải tiến mà chủ nghĩa tư bản đương đại cống hiến (chẳng hạn tiềm năng bồi dưỡng tri thức qua Internet) đồng thời chống lại những cạm bẫy tiềm ẩn (như xem TV và chơi các trò chơi vi tính).
Điều này ảnh hưởng đến khả năng của trẻ em trong việc vận dụng nền giáo dục chính thức ở nhà trường, một nền giáo dục ít ra cũng có tiềm năng ngày càng mở rộng để đón tiếp mọi người, bất chấp địa vị kinh tế hay sắc tộc. Vào đầu thế kỷ 20, chỉ có 6,4 % trẻ em Mỹ hoàn tất bậc trung học, và chỉ một trong 400 người tiếp tục lên đại học. Như vậy, thời bấy giờ một bộ phận dân chúng rất đông đảo có khả năng trí óc, nhưng không có cơ hội, để theo đuổi các bằng cấp cao. Ngày nay, tỉ lệ học sinh Mỹ hoàn tất bậc trung học là khoảng 75% (xuống từ đỉnh cao 80% năm 1960), và khoảng 40% thanh niên đăng ký theo học đại học.
Tờ The Economist gần đây đã nhai lại một quan niệm lỗi thời: “Trong một xã hội có cơ hội đồng đều rộng rãi, địa vị của cha mẹ trên thang lợi tức sẽ không mấy ảnh hưởng đến nấc thang lợi tức của con cái họ về sau”. Nhưng sự thật là, càng có cơ hội đồng đều do cơ chế tạo ra bao nhiêu, thì các di sản thuộc vốn con người của gia đình lại càng quan trọng bấy nhiêu. Như nhà khoa học chính trị Edward Banfield nhận xét một thế hệ trước đây trong cuốn The Unheavenly City Revisited [một tác phẩm xét lại các vấn đề đô thị Mỹ, ND], “Toàn bộ nền giáo dục luôn ưu đãi trẻ em thuộc giai cấp trung lưu hoặc thượng lưu, vì thuộc về giai cấp trung lưu hay thượng lưu có nghĩa là hưởng được những phẩm chất tốt đẹp giúp cho việc học tập đặc biệt dễ dàng”. Những cải tiến về phẩm chất trường học có thể cải thiện thành quả giáo dục nói chung, nhưng chúng có xu thế làm gia tăng, chứ không giảm bớt, khoảng cách thành đạt giữa con em xuất thân từ những gia đình có vốn con người chênh lệch nhau. Những nghiên cứu gần đây với mục đích chứng minh rằng tại Hoa Kỳ ngày nay sự thăng tiến xã hội giữa các thế hệ (intergenerational mobility) ít diễn ra hơn so với trong quá khứ (hay so với tại một số quốc gia châu Âu), đã không thấy được rằng sự kiện này thật ra có thể là sản phẩm trớ trêu của nỗ lực gia tăng bình đẳng về cơ hội qua nhiều thế hệ. Và trong khía cạnh này, có thể Hoa Kỳ chỉ là nước dẫn đầu trong các xu thế cũng hiện diện tại các nước tư bản tiên tiến khác.
Thành đạt khác nhau giữa các nhóm xã hội
Gia đình không phải là cơ chế xã hội duy nhất có một ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển vốn con người (human capital) và đối với sự thành công nhiên hậu trong thị trường; các nhóm cộng đồng, như các cộng đồng tôn giáo, chủng tộc và dân tộc cũng có một ảnh hưởng tương tự. Trong cuốn sách xuất bản năm 1905, The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (Luân lý Tin lành và Tinh thần Tư bản chủ nghĩa), nhà xã hội học Max Weber nhận xét rằng trong các khu vực tôn giáo khác nhau, người Tin lành làm kinh tế giỏi hơn người Công giáo, và người theo Giáo phái Calvin (Calvinists) thành công hơn người theo Giáo phái Luther (Lutherans). Weber đưa ra một một lý giải mang tính văn hóa cho sự khác biệt này, một sự khác biệt có gốc rễ trong những khuynh hướng tâm lý do các đức tin khác nhau này tạo ra. Vài năm sau, trong cuốn The Jews and Modern Capitalism (Người Do Thái và Chủ nghĩa Tư bản Hiện đại), Werner Sombart, người đồng thời với Weber, đưa ra một lý giải khác hơn cho sự thành công của các nhóm khác nhau, bằng cách một phần dựa vào các khuynh hướng văn hóa và một phần dựa vào các khuynh hướng chủng tộc. Và đến năm 1927, Schumpeter, một đồng nghiệp trẻ hơn của họ đã đặt tựa đề cho một bài tiểu luận quan trọng là “Giai cấp xã hội trong một môi trường thuần chủng (ethnically homogeneous)”, vì ông đinh ninh rằng trong một bối cảnh hợp chủng, các mức độ thành đạt thay đổi theo từng sắc dân, chứ không chỉ theo giai cấp xã hội mà thôi.
Những lý giải được đưa ra cho những mô hình nói trên là không quan trọng bằng thực tế là, mức thành đạt khác nhau giữa các nhóm vẫn là một đặc điểm bất diệt trong lịch sử của chế độ tư bản, và những chênh lệch này vẫn tiếp tục tồn tại ngày nay. Tại Hoa Kỳ đương đại, chẳng hạn, người châu Á (đặc biệt khi không kể đến các sắc dân hải đảo Thái Bình Dương) có xu thế thành đạt hơn người da trắng bản xứ (non-Hispanic whites), người da trắng bản xứ lại thành đạt hơn người da trắng gốc châu Mỹ La tinh (Hispanic whites), người châu Mỹ La tinh lại thành đạt hơn người Mỹ gốc châu Phi [người da đen]. Đây là sự thật dù ta nhìn vào sự thành đạt về học vấn, vào lợi tức, hay nhìn vào các loại hình gia đình, như các trường hợp sinh con ngoại hôn chẳng hạn.
Những quốc gia Tây Âu (và nhất là những quốc gia Bắc Âu), với những trình độ bình đẳng kinh tế còn cao hơn Mỹ nhiều, thông thường là những nước có những khối dân thuần chủng hơn Mỹ. Khi những đợt dân nhập cư gần đây làm cho nhiều nước tiên tiến hậu công nghiệp giảm bớt tính thuần chủng so với trước, chúng cũng có vẻ phân hoá giai cấp theo các đường ranh cộng đồng, với một số nhóm dân nhập cư biểu hiện những mô hình thành công hơn khối dân cư hiện hữu từ trước và một số nhóm khác lại ít thành công hơn. Tại Vương quốc Anh chẳng hạn, con cái những người Trung Hoa và người Ấn Độ nhập cư thường thành công hơn dân bản xứ, trong khi con cái của người da đen từ vùng Ca-ri-bê (Caribbean blacks) và người Pakistan thường thua kém hơn. Tại Pháp, con cái của người Việt Nam nhập cư thường thành công hơn con cái người bản xứ, và con cái của các sắc dân Bắc Phi lại thua kém hơn. Tại Israel, con cái của người Nga nhập cư thường thành công hơn người bản xứ, trong khi con cái của những người nhập cư từ Ethiopia lại thua kém hơn. Tại Canada, con cái người Trung Hoa và người Ấn Độ thường thành công hơn con cái dân bản xứ, trong khi con cái của dân nhập cư từ vùng Ca-ri-bê và châu Mỹ La tinh lại thua kém hơn. Phần lớn sự chênh lệnh trong mức độ thành công này có thể được giải thích bằng thành phần giai cấp và quá trình đào tạo khác nhau của các nhóm nhập cư ngay tại cố quốc của họ. Nhưng vì bản thân những cộng đồng nhập cư này đã đóng vai trò là nơi cưu mang vốn con người, những mô hình về sự thành đạt này có khả năng và vẫn còn tồn tại qua thời gian và không gian.
Trong trường hợp Hoa Kỳ, chính sách di trú của nước này đã đóng một một vai trò thậm chí còn lớn hơn trong việc làm nghiêm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, vì tính năng động kinh tế, sự cởi mở văn hóa, và địa thế của nước Mỹ có xu thế thu hút một số người tài giỏi và thông minh nhất thế giới lẫn một số người ít học nhất thế giới. Sự thể này đã nâng chóp bu của thang kinh tế lên cao và hạ phần dưới cùng xuống thấp hơn nữa.
Tại sao giáo dục không phải là một phương thuốc chữa trị mọi thứ bệnh
Sự nhìn nhận ngày càng rộng lớn về tình trạng bất bình đẳng và phân hóa giai cấp xã hội đang gia tăng tại các nước hậu công nghiệp đương nhiên đã đưa đến các cuộc thảo luận về những điều có thể thực hiện để đối phó vấn đề này. Trong bối cảnh của Hoa Kỳ, câu trả lời đến từ hầu hết mọi thành phần xã hội thật là đơn giản: giáo dục.
Một chủ đề của lập luận này tập trung vào giáo dục đại học. Theo đó, hiện nay có một khoảng cách đang gia tăng về những cơ may trong đời giữa những người tốt nghiệp đại học và những người không tốt nghiệp, và vì thế cần phải có càng nhiều người vào đại học càng tốt. Đáng tiếc là, mặc dù một tỉ lệ người Mỹ cao hơn trước đang theo đuổi bậc đại học, nhưng họ không nhất thiết học hỏi nhiều hơn. Một con số ngày càng đông đảo không đủ khả năng học tập ở bậc đại học, nhiều người phải rời ghế nhà trường trước khi hoàn tất học vị, và nhiều người khác nhận những bằng cấp chỉ phản ánh những tiêu chuẩn thấp hơn trình độ mà người ta thường cho là một bằng đại học phải có.
Trong khi đó, mức chênh lệch đáng kể nhất trong sự thành tựu ở học đường diễn ra sớm hơn bậc đại học, được biểu hiện trong tỉ lệ hoàn tất bậc trung học, và những chênh lệnh quan trọng trong thành tích học tập (giữa các giai cấp xã hội khác nhau và giữa các sắc tộc khác nhau) còn xuất hiện sớm hơn, ngay từ cấp tiểu học. Do đó, một chủ đề thứ hai của cuộc tranh luận giáo dục tập trung vào bậc tiểu học và trung học. Những phương thức chữa trị được đề xuất ở đây gồm có: cung cấp thêm tiền cho các trường học, cho phụ huynh nhiều lựa chọn hơn, kiểm tra bài vở của học sinh thường xuyên hơn, và cải thiện hiệu năng của giáo viên. Thậm chí nếu một số hoặc toàn bộ các biện pháp này là đáng mong muốn vì những lý do khác đi nữa, không một biện pháp nào chứng tỏ đã giảm bớt khoảng cách giữa các học sinh và giữa các nhóm xã hội – vì bản thân nền giáo dục chính thức ở nhà trường (official schooling) đóng một vai trò tương đối nhỏ bé trong việc tạo ra hoặc duy trì các khoảng cách thành đạt (achievement gaps).
Thật ra những khoảng cách này có nguồn gốc trong những mức vốn con người khác nhau (different levels of human capital) mà trẻ em thừa hưởng khi chúng bắt đầu đi học – điều này đã dẫn đến một chủ đề thứ ba của cuộc tranh luận giáo dục, tập trung vào việc chăm sóc tuổi thơ ấu của trẻ em sớm hơn và tích cực hơn. Những đề xuất ở đây thường dẫn đến việc đưa trẻ em ra khỏi môi trường gia đình và đặt chúng vào những bối cảnh mang tính cơ chế (institutional settings) càng dài thời gian càng tốt (như chương trình Head Start, Early Head Start /cho trẻ em đi học sớm) hay thậm chí cố gắng tái xã hội hoá toàn bộ những khu dân sinh (như trong dự án Khu vực của Trẻ em Harlem/the Harlem Children’s Zone project). Có một số trường hợp thành công riêng lẻ với những chương trình này, nhưng không ai biết chắc là chúng có thể được nhân rộng trên một qui mô lớn hơn không. Nhiều chương trình cho thấy kết quả ngắn hạn về khả năng nhận thức, nhưng hầu hết những thành quả này có xu thế mai một qua thời gian, và những thành quả còn sót lại thường là không đáng kể. Có một điều khả tín hơn là, những chương trình này giúp trẻ em trau dồi các kỹ năng không thuộc lãnh vực nhận thức (noncognitive skills [như các đức tính]) và những đặc điểm nhân cách có thể dẫn đến thành công kinh tế tương lai – nhưng với một cái giá và nỗ lực đầu tư đáng kể, vì phải sử dụng các nguồn lực được rút tỉa từ những bộ phận thành công hơn trong xã hội (và như thế làm suy yếu các nguồn lực mà họ có thể sử dụng để đầu tư) hay các nguồn lực được chuyển từ các dự án tiềm năng khác.
Vì tất cả những lý do trên, tình trạng bất bình đẳng trong các xã hội tư bản tiên tiến dường như vừa gia tăng vừa không tránh khỏi, chí ít trong giai đoạn hiện nay. Thật vậy, một trong những khám phá chắc chắn nhất của ngành nghiên cứu khoa học xã hội đương đại là, một khi sự cách biệt giữa các gia đình có lợi tức cao và những gia đình có lợi tức thấp gia tăng, thì những cách biệt trong sự thành đạt về học vấn và công ăn việc làm giữa con cái họ lại càng gia tăng hơn nữa.
Phải làm gì?
Chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn tiếp tục tạo ra những lợi ích ngoạn mục và những cơ hội ngày càng to lớn hơn cho việc tự trau dồi và phát triển bản thân. Nhưng hơn bao giờ hết, những mặt tốt của nó đang đi cùng với những mặt xấu, đặc biệt là việc gia tăng tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế. Như Marx và Engels đã nhận xét chính xác, điều làm cho chủ nghĩa tư bản khác với các hệ thống xã hội và kinh tế khác là nó “thường xuyên cách mạng hóa việc sản xuất, gây xáo trộn liên tục cho mọi tình huống xã hội, [và] mang lại tình trạng bấp bênh và dao động triền miên”.
Vào cuối thế kỷ 18, nhà nghiên cứu và thực hành môn kinh tế chính trị vĩ đại nhất nước Mỹ, Alexander Hamilton, đã có một số nhận xét sâu sắc về tính hàm hồ tất yếu (inevitable ambiguity) của chính sách công trong một thế giới đầy lực hủy diệt sáng tạo (a world of creative destruction):
Cái thân phận mà Thượng đế đã quan phòng vĩnh viễn cho con người là, mỗi điều tốt lành mà con người được thụ hưởng đều bị pha trộn với nhiều điều xấu xa, mọi suối nguồn hoan lạc là ngọn nguồn của thương đau – ngoại trừ một điều là Đức hạnh, điều tốt lành duy nhất không bị pha chế được phép tồn tại trong Thân phận hữu hạn của con người… Người làm chính trị đích thực… sẽ hỗ trợ những cơ chế và kế hoạch nàocó xu thế tạo hạnh phúc cho đồng loại, phù hợp với khuynh hướng tự nhiên của họ là gia tăng gấp bội nguồn hạnh phúc cá nhân và gia tăng các nguồn tài nguyên và sức mạnh quốc gia – cố gắng đưa vào mỗi trường hợp tất cả những thành tố có thể được sử dụng để vạch ra các biện pháp ngăn ngừa và chỉnh sửa cái ác vốn luôn luôn đi đôi với những ân sủng thế gian.
Bây giờ cũng như vào thời đó, vấn đề trước mắt chỉ là làm thế nào để duy trì những ân sủng thế gian của chủ nghĩa tư bản đồng thời vạch ra các biện pháp ngăn ngừa và chỉnh sửa đối với những điều ác vốn luôn luôn đi đôi với những ân sủng ấy.
Một liều thuốc tiềm năng để chữa trị các vấn đề bất bình đẳng và bất an kinh tế giản dị là tái phân phối lợi tức từ chóp bu xuống tận đáy của nền kinh tế. Tuy nhiên, phương thức này có hai khuyết điểm. Khuyết điểm thứ nhất là, qua thời gian, chính các thế lực đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng sẽ xác lập lại thế lực của mình; việc này đòi hỏi tái phân phối lợi tức thêm nữa, hay tái phân phối mạnh mẽ hơn. Khuyết điểm thứ hai là vào một thời điểm nào đó, việc tái phân phối lợi tức sẽ tạo ra bất mãn sâu sắc và cản trở các động cơ tăng trưởng kinh tế. Một mức độ nào đó của việc tái phân phối lợi tức thông qua đánh thuế, sau các kết toán thị trường, là điều có thể thực hiện và cần thiết, nhưng mức độ lý tưởng là bao nhiêu thì đây là vấn đề chắc chắn sẽ bị tranh cãi gay gắt, và dù con số có nhiều bao nhiêu đi nữa, việc tái phân phối lợi tức sẽ không bao giờ giải quyết được những vấn đề cơ bản.
Phương thuốc thứ hai, sử dụng chính sách chính phủ để thu hẹp khoảng cách giữa các cá nhân và giữa các nhóm xã hội bằng cách đưa chính sách ưu đãi cho những thành phần làm ăn thất bát, có lẽ còn tồi tệ hại hơn cả chính cơn bệnh. Dù bất cứ ích lợi được viện dẫn là gì đi nữa, những phần thưởng được ủy thác cho một số loại công dân nhất định chắc chắn tạo ra một cảm thức bất công trong phần còn lại của xã hội. Nghiêm trọng hơn nữa là cái giá phải trả cho những phần thưởng này nếu xét về hiệu năng kinh tế, vì theo định nghĩa, chúng sẽ đưa những cá nhân thiếu khả năng lên những địa vị mà họ sẽ không thể vươn tới nếu chỉ dựa vào tài năng của mình. Tương tự như thế, những chính sách cấm đoán việc sử dụng tiêu chuẩn tài năng (meritocratic criteria) trong giáo dục, trong việc thu dụng nhân viên, và cung cấp tín dụng – chỉ vì những tiêu chuẩn này có “tác động chênh lệch” lên số phận của nhiều cộng đồng khác nhau hoặc vì chúng làm gia tăng hậu quả bất bất bình đẳng xã hội – chắc chắn sẽ làm suy giảm phẩm chất của hệ thống giáo dục, lực lượng lao động, và cả nền kinh tế.
Một phương án chữa trị thứ ba, khuyến khích đổi mới kinh tế liên tục để làm lợi cho mọi người, có nhiều hứa hẹn hơn hai phương án trên. Sự kết hợp giữa Internet và các cách mạng điện toán hiện nay có thể được ví với việc khám phá ra điện, một khám phá đã tạo điều kiện cho gần như vô số hoạt động khác, đã chuyển hóa xã hội nói chung trong nhiều cung cách không ai tiên đoán được. Trong số những thành quả khác, Internet đã cực kỳ nhanh chóng gia tăng tốc độ của kiến thức, một yếu tố chủ yếu trong việc tăng trưởng kinh tế tư bản chủ nghĩa chí ít kể từ thế kỷ 18. Thêm vào đó, các viễn ảnh của các ngành khác dù còn nằm trong thời kỳ ấu trĩ, như công nghệ sinh học (biotechnology), sinh tin học (bioinformatics), và công nghệ nanô (nanotechnology), cũng như các viễn ảnh về tăng trưởng kinh tế tương lai và sự cải thiện đang diễn ra của đời sống con người, đều có vẻ sáng sủa một cách hợp lý. Tuy nhiên, thậm chí cả sự đổi mới liên tục lẫn sự phục hồi tăng trưởng kinh tế cũng sẽ không loại bỏ hay thậm chí giảm bớt một cách đáng kể tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế, vì sự khác biệt giữa các cá nhân, giữa các gia đình, và giữa các tập thể sẽ vẫn cứ ảnh hưởng đến sự phát triển vốn con người (human capital) và sự thành đạt nghề nghiệp.
Do đó, muốn cho chủ nghĩa tư bản tiếp tục giữ được tính chính đáng và đáp ứng được nguyện vọng của các bộ phận dân chúng nói chung – kể cả những thành phần hạ lưu và trung lưu trên nấc thang kinh tế xã hội, cũng như những thành phần thượng lưu gần chóp bu, kẻ thua cũng như người thắng – các mạng lưới an toàn do chính phủ lập ra nhằm giúp giảm bớt tình trạng bất an kinh tế, xoa dịu những nhức nhối do thất bại trong thị trường và giúp duy trì cơ hội đồng đều cho mọi người, cần phải được duy trì và được hồi sinh. Những chương trình này đã hiện hữu tại hầu hết các nước trong thế giới tư bản tiên tiến, kể cả Hoa Kỳ, và vì thế cánh Hữu cần phải chấp nhận rằng chúng đang đáp ứng một mục đích không thể thiếu và phải được duy trì chứ không nên cắt bỏ – rằng những chi phí của chính phủ về phúc lợi xã hội là một cách đối phó thích hợp với một số đặc điểm có vấn đề nội tại trong chủ nghĩa tư bản, chứ không phải là một “con quái vật” cần phải “bỏ đói”.
Tại Hoa Kỳ chẳng hạn, những biện pháp như an sinh xã hội (Social Security), bảo hiểm thất nghiệp (unemployment insurance), phiếu mua thực phẩm dành cho người nghèo (food stamps), tín chỉ giảm thuế lợi tức (the Earned Income Tax Credit), chế độ y tế cho người nghỉ hưu (Medicare), chế độ y tế cho người già hay người tàn tật (Medicaid), và việc nới rộng bảo hiểm do Đạo luật Cải tổ Y tế (the Affordable Care Act [hay Obamacare]) đã giúp đỡ và xoa dịu trước hết những người kém thành công hay không thể tham dự vào nền kinh tế hiện nay. Cắt giảm phạm vi trợ cấp của những chương trình này là một hành vi thiếu nhân ái trong khi tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế đang gia tăng. Và nếu không vì gì khác chăng nữa, thì chính tinh thần vị kỷ sáng suốt (the enlightened self-interest) của những ai đã hưởng lợi nhiều nhất trong một xã hội mang tính năng động tư bản chủ nghĩa chắc chắn sẽ giúp họ nhận ra rằng, nếu không chịu từ bỏ một số thành quả thị trường của mình để đạt được sự ổn định xã hội và kinh tế liên tục, thì đó là một thái độ dại dột. Các chương trình phúc lợi của chính phủ cần phải cải tổ cấu trúc, nhưng cánh Hữu phải chấp nhận rằng một nhà nước phúc lợi rộng lượng hợp lý sẽ còn tồn tại mãi, và tồn tại vì những lý do hết sức hợp lý.
Về phần mình, cánh Tả cần phải tỉnh táo đối diện với thực tế là, những toan tính táo bạo nhằm xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng có thể vừa là quá tốn kém vừa là vô ích. Chính sự thành công của những nỗ lực trong quá khứ nhằm gia tăng sự bình đẳng về cơ hội – như mở rộng cánh cửa giáo dục và cấm hẳn mọi hình thức phân biệt đối xử – mang ý nghĩa là, trong các xã hội tư bản tiên tiến ngày nay, những vựa tiềm năng to lớn và riêng rẽ chưa được khai thác càng ngày càng trở nên hiếm hoi. Vì vậy, việc đưa thêm nhiều biện pháp hơn nữa để cải thiện sự bình đẳng có thể khó đạt được thành quả như các biện pháp đã sử dụng trước đây, trong khi sự tốn kém lại to lớn hơn nhiều. Và nếu những biện pháp này dẫn đến việc lấy mất nguồn lực của những thành phần xã hội có vốn con người phong phú hơn để đưa sang những thành phần thiếu loại vốn này, hoặc không đếm xỉa đến các tiêu chuẩn thành đạt và tài năng, thì chúng sẽ cản trở tính năng động và đà tăng trưởng kinh tế, vốn là nền tảng cho nhà nước phúc lợi hiện nay đứng vững.
Như vậy, thách thức đối với chính sách của chính phủ trong thế giới tư bản tiên tiến là làm thế nào để duy trì một mức độ năng động kinh tế nhằm cung ứng các lợi ích ngày càng to lớn cho tất cả mọi người, đồng thời có thể chi trả những chương trình phúc lợi xã hội cần thiết nhằm làm cho đời sống của người dân dễ thở hơn trong tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế ngày càng gia tăng. Các quốc gia khác nhau sẽ đối phó thách thức này bằng những đường lối khác nhau, vì mỗi quốc gia có những ưu tiên, những truyền thống, có diện tích, và những đặc tính dân số và kinh tế khác nhau. (Một trong những ảo tưởng của thời đại là nghĩ rằng trong vấn đề chính sách của chính phủ, các quốc gia có thể tùy tiện vay mượn mô hình của nhau.) Nhưng một khởi điểm hữu ích có lẽ là, phải từ bỏ cả loại chính trị đặc quyền đặc lợi (the politics of priviledge) lẫn loại chính trị sách động hận thù (the politics of resentment), để chấp nhận một quan điểm rõ ràng về những gì chủ nghĩa tư bản thực sự có liên quan, chứ không mang thái độ lý tưởng hóa của những người sùng bái chủ nghĩa này và thái độ phỉ báng của những người đả kích nó.
_________
Jerry Z. Muller là Giáo sư Sử học tại Catholic University of America và là tác giả cuốn The Mind and the Market: Capitalism in Western Thought (Trí tuệ và Thị trường: Chủ nghĩa Tư bản trong Tư tưởng phương Tây).
Nguồn: Jerry Z. Muller, “Capitalism and Inequality. What

Chủ nghĩa tư bản và tình trạng bất bình đẳng.

Chủ nghĩa tư bản và tình trạng bất bình đẳng. [Cánh Hữu và cánh Tả sai lầm ở những điểm nào]

Tháng 6 25, 2013
Jerry Z. Muller
Trần Ngọc Cư dịch
Dẫn nhập: Trong trận chiến ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, người ta có thể nói không sai là chủ nghĩa tư bản đã thắng. Thậm chí một số nước “cộng sản” như Trung Quốc và Việt Nam cũng đang ôm ấp một dạng thức nào đó của chủ nghĩa tư bản, mà có người gọi là “tư bản nhà nước”, hay một cách mỉa mai “tư bản đỏ”.
Dù dưới dạng thức nào đi nữa, ít ai có thể chối cãi rằng chủ nghĩa tư bản là đường lối hữu hiệu nhất để tạo ra đời sống thịnh vượng kinh tế cho xã hội loài người.
Trong bài tiểu luận sau đây, Giáo sư Jerry Z. Muller phân tích những đặc tính bất biến của chủ nghĩa tư bản, đó là tính năng động kinh tế cũng như tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế – những đặc tính luôn luôn đi với nhau như bóng với hình; như cái Thiện và cái Ác cùng tồn tại một lúc trong thân phận con người. Để đối phó với tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong thế giới tư bản tiên tiến, đặc biệt tại Hoa Kỳ, Muller nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì một chính sách nhà nước phúc lợi hợp lý để đảm bảo sự ổn định và hài hòa xã hội, đồng thời chống lại cả loại hình chính trị đặc quyền đặc lợi (politics of privilege) của cánh Hữu lẫn loại hình chính trị sách động hận thù (politics of resentment) của cánh Tả.
Trần Ngọc Cư
Cuộc tranh luận chính trị gần đây tại Hoa Kỳ và các nước dân chủ tư bản tiên tiến khác bị chi phối bởi hai vấn đề: sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng kinh tế và mức độ can thiệp của chính phủ nhằm đối phó vấn đề này. Như cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2012 và những đấu đá chính trị về “bờ vực ngân sách” (the fiscal cliff) đã cho thấy, trọng tâm của cánh Tả hiện nay được dồn vào việc tăng thuế và chi tiêu của chính phủ, chủ yếu để đẩy lùi tình trạng phân hóa giai cấp xã hội đang ngày một gia tăng; trong khi đó, trọng tâm của cánh Hữu được đặt vào việc giảm thuế và cắt giảm chi tiêu, chủ yếu để đảm bảo tính năng động kinh tế. Bên này xem nhẹ những mối quan tâm của bên kia, và mỗi bên đều tỏ ra tin tưởng rằng những chính sách mà mình mong muốn có khả năng đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định xã hội. Cả hai bên đều sai lầm.
Tình trạng bất bình đẳng đang thực sự gia tăng gần như khắp nơi trong thế giới tư bản hậu công nghiệp (postindustrial). Và dù cho nhiều người bên cánh Tả có nghĩ gì đi nữa, đây không phải là hậu quả chính trị, và chính trị không thể đảo ngược được nó, vì vấn đề này có gốc rễ sâu xa và bất trị hơn người ta có thể dễ dàng nhận ra. Bất bình đẳng kinh tế là một sản phẩm tất yếu của sinh hoạt tư bản chủ nghĩa, và việc mở rộng cánh cửa bình đẳng về cơ hội cũng chỉ làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế mà thôi – vì một số cá nhân và một số cộng đồng giản dị là có khả năng hơn các cá nhân và cộng đồng khác trong việc khai thác những cơ hội mà chủ nghĩa tư bản cung ứng để phát triển và thăng tiến trong đời. Tuy nhiên, dù cho nhiều người bên cánh Hữu có nghĩ gì đi nữa, đây là một vấn đề chung cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì cho những người làm ăn thất bát hay những người, trên bình diện ý thức hệ, quyết theo đuổi chủ nghĩa bình quân – bởi vì nếu không được giải quyết, tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế ngày một gia tăng có thể xói mòn trật tự xã hội và tạo ra một một phản ứng dân túy (populist) quật ngược lại hệ thống tư bản chủ nghĩa nói chung.
Trong vài thế kỷ qua, sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một bước nhảy vọt vĩ đại trong tiến bộ loài người, vừa đưa đến những tăng trưởng về mức sống vật chất mà trước đó không ai tưởng tượng nổi, vừa đưa đến sự phát triển mọi tiềm năng chưa từng thấy của con người. Nhưng, tính năng động nội tại trong bản thân chủ nghĩa tư bản lại tạo ra một tình trạng bất an đi kèm với những lợi lộc mà nó mang lại, vì thế sự tiến triển của chủ nghĩa này luôn luôn gặp chống đối. Thật ra, phần lớn lịch sử chính trị và cơ chế của những xã hội tư bản là lịch sử của những nỗ lực làm giảm bớt hoặc ngăn cản tình trạng bất an ấy, và chính việc tạo ra nhà nước phúc lợi (the welfare state) giữa thế kỷ 20 cuối cùng đã giúp chủ nghĩa tư bản và thể chế dân chủ cùng tồn tại tương đối hài hòa.
Trong những thập kỷ gần đây, những phát triển trong lãnh vực công nghệ, tài chánh, và thương mại quốc tế đã tạo ra những làn sóng và hình thái bất an mới cho những nền kinh tế tư bản hàng đầu, làm cho đời sống ngày càng trở nên bất bình đẳng và nhiều rủi ro hơn, không những cho các tầng lớp hạ lưu và giới lao động mà còn cho một bộ phận không nhỏ của giai cấp trung lưu. Cánh Hữu gần như nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề này, trong khi cánh Tả ra sức loại bỏ nó bằng hành động của chính phủ, bất chấp phí tổn ngân sách. Cả hai đường lối này đều không khả thi trong dài hạn. Các thể chế tư bản đương đại cần phải chấp nhận rằng tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế sẽ tiếp tục là kết quả tất yếu của các hoạt động thị trường và phải tìm cách che chắn người dân khỏi những hậu quả nghiêm trọng của chúng – đồng thời bằng một cách nào đó vẫn duy trì được tính năng động vốn tạo ra những lợi ích kinh tế và văn hóa to lớn của chủ nghĩa tư bản.
Thương phẩm hóa (Commodification) và bồi dưỡng văn hóa
Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống gồm các quan hệ kinh tế và xã hội được xác định bởi quyền tư hữu, bởi việc trao đổi hàng hóa và các dịch vụ do những cá nhân tự do, và bởi việc sử dụng các cơ chế thị trường để kiểm soát việc sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ. Một số yếu tố tư bản chủ nghĩa đã tồn tại trong xã hội loài người qua nhiều thời đại, nhưng mãi đến thế kỷ 17 và 18, tại nhiều nước châu Âu và thuộc địa của chúng tại Bắc Mỹ, các yếu tố này mới kết hợp thành lực lượng. Suốt lịch sử trước đó, gần như mọi hộ gia đình đều tiêu thụ hầu hết những thứ tự mình sản xuất ra và sản xuất hầu hết những thứ mà mình tiêu thụ. Mãi đến thời điểm này, đại đa số dân chúng tại một số nước mới bắt đầu mua hầu hết những thứ mà họ tiêu thụ và họ làm được điều này nhờ số tiền họ thu được từ việc bán hầu hết những thứ mà họ sản xuất.
Sự phát triển các hộ gia đình theo định hướng thị trường (market-oriented households) và cái gọi là “xã hội thương mại” có ý nghĩa sâu sắc đối với mọi khía cạnh của sinh hoạt loài người. Trước khi có chủ nghĩa tư bản, đời sống con người bị chi phối bởi những định chế truyền thống luôn luôn đặt những lựa chọn và định mệnh của cá nhân dưới sự khống chế của các cơ cấu cộng đồng, chính trị, và tôn giáo khác nhau. Những định chế này cho phép xã hội thay đổi ở mức tối thiểu, ngăn cản không cho người dân tiến bộ nhiều nhưng đồng thời cũng che chắn họ khỏi những dâu bể của cuộc đời. Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản cho các cá nhân nhiều khả năng làm chủ và chịu trách nhiệm về cuộc đời mình hơn bao giờ hết – điều này vừa khai phóng vừa đáng sợ, khiến cả tiến bộ lẫn thoái hóa đều có thể.
Thương phẩm hóa (commodification) – sự chuyển đổi các hoạt động được thực hiện để sử dụng riêng tư thành các hoạt động được thực hiện để bán trên thị trường mở rộng – cho phép dân chúng sử dụng thì giờ hiệu quả hơn, chuyên biệt hóa trong việc sản xuất những thứ mà họ tương đối rành nghề và mua các thứ khác từ người khác. Các hình thái thương mại và chế tạo mới đã sử dụng sự phân công (division of labor) để sản xuất những mặt hàng gia dụng thông thường với giá rẻ và cũng tạo ra một loạt hàng hóa mới. Như sử gia Jan de Vries nhận xét, kết quả của sự kiện này là điều mà người đương thời gọi là “một sự đánh thức những thèm khát của trí óc” – nới rộng những sở thích cá nhân và tạo ra một cảm thức chủ quan mới mẻ về các nhu cầu. Sự bành trướng nhu cầu đang diễn ra hiện nay đã từng bị những người bài bác chủ nghĩa tư bản từ Rousseau đến Marcuse đả kích là đã giam hãm con người trong chiếc lồng làm bằng những ham muốn phản tự nhiên (unnatural desires). Nhưng nó lại được những người bênh vực kinh tế thị trường từ Voltaire trở về sau ca ngợi là đã mở rộng tiềm năng của con người. Theo quan điểm này, nỗ lực phát triển và đáp ứng những đòi hỏi và nhu cầu cao hơn là yếu tính (essence) của văn minh.
Vì có khuynh hướng coi các thương phẩm (commodities) là vật thể hữu hình, chúng ta thường bỏ qua cái mức độ mà việc tạo ra và phân phối ngày càng rẻ các thương phẩm văn hóa mới đã mở rộng, những gì mà ta có thể gọi là “các phương tiện trau dồi bản thân” (the means of self-cultivation). Vì lịch sử của chủ nghĩa tư bản cũng là lịch sử phát triển truyền thông, thông tin, và giải trí – vừa là phương tiện vừa là đối tượng của tư duy (things to think with, and about).
Trong số những thương phẩm hiện đại xuất hiện sớm nhất, phải kể đến các ấn phẩm (ví dụ đầu tiên là cuốn Kinh Thánh), và việc chúng ngày một rẻ và dễ kiếm còn có ý nghĩa lịch sử hơn cả sự phát triển của máy nổ, chẳng hạn. Điều này cũng đúng với sự phổ biến của giấy in, cho phép nhật báo và tạp chí ra đời. Những phát kiến này lại làm phát sinh các thị trường mới về thông tin và nghề thu thập và phân phối tin tức. Vào thế kỷ 18, việc đưa tin từ Ấn Độ đếnLondonphải mất hàng tháng; ngày nay, chỉ cần trong chốc lát. Sách báo và tin tức đã giúp nới rộng không những tầm hiểu biết mà còn phát triển trí tưởng tượng của chúng ta, khả năng thông cảm với đồng loại và tưởng tượng như thể chính bản thân chúng ta đang được sống trong những lối sống tân kỳ. Chủ nghĩa tư bản và tiến trình thương phẩm hóa vì vậy đã thúc đẩy cả chủ nghĩa nhân đạo lẫn các hình thức mới mẻ trong việc tự phát minh chính mình (new forms of self-invention)
Trong thế kỷ vừa qua, các phương tiện bồi dưỡng văn hoá được phát triển nhờ việc phát minh máy ghi âm, phim ảnh, và truyền hình, và cùng với sự trỗi dậy của Internet và máy vi tính trong nhà, những chi phí của việc tiếp thu kiến thức và văn hoá đã giảm bớt nhanh chóng. Đối với những người nằm trong xu thế này, việc phát triển các phương tiện bồi dưỡng văn hóa đã tạo điều kiện mở mang kiến thức của con người ở mức gần như không thể tưởng tượng nổi.
Gia đình đóng vai trò quan trọng
Tuy nhiên, nếu chủ nghĩa tư bản đã mở ra nhiều cơ hội hơn bao giờ hết cho sự phát triển tiềm năng con người, thì không phải ai cũng có thể tận dụng những cơ hội ấy hay có thể tiến xa hơn nữa sau khi nắm được cơ hội. Chẳng hạn, lịch sử đã chứng minh, nhiều rào cản chính thức hoặc không chính thức đối với sự bình đẳng về cơ hội đã ngăn cản nhiều bộ phận dân chúng khác nhau – như phụ nữ, dân tộc thiểu số, và giới nghèo – không cho phép họ hưởng đầy đủ tất cả những gì mà chủ nghĩa tư bản cống hiến. Nhưng qua thời gian, trong thế giới tư bản tiên tiến, những rào cản ấy đã dần dần được hạ thấp hay tháo gỡ, nhờ vậy ngày nay người ta có thể tiếp cận cơ hội đồng đều hơn bao giờ hết. Tình trạng bất bình đẳng đang tồn tại ngày nay, do đó, phát sinh vì thiếu cơ hội đồng đều thì ít, mà vì khả năng không đồng đều trong việc khai thác cơ hội thì nhiều. Và khả năng không đồng đều đó lại phát xuất từ những khác biệt trong tiềm năng bẩm sinh mà các cá nhân có từ khi chào đời và trong cung cách mà gia đình và cộng đồng giúp đỡ và khuyến khích tiềm năng con người phát triển.
Trong việc hình thành khả năng và khuynh hướng của cá nhân để vận dụng các phương tiện bồi dưỡng văn hóa mà chủ nghĩa tư bản cung ứng, đề cao vai trò của gia đình đến đâu cũng không đủ. Hộ gia đình không chỉ là nơi tiêu thụ và truyền giống. Nó còn là bối cảnh chính trong đó trẻ em được xã hội hóa, được giáo dục, và trở thành văn minh, trong đó các thói quen của chúng được phát triển để sau đó lại ảnh hưởng đến số phận chúng trong tư cách người dân và tác nhân thị trường Theo ngôn ngữ của kinh tế học đương đại, gia đình là mộtworkshop (phân xưởng) trong đó vốn con người (human capital) được tạo ra.
Qua thời gian, gia đình đã ảnh hưởng đến chủ nghĩa tư bản bằng cách tạo ra những nhu cầu mới đối với những hàng hoá mới. Gia đình cũng thường xuyên bị chủ nghĩa tư bản khuôn nắn vì những hàng hóa mới và phương tiện sản xuất mới đã thúc đẩy các thành viên trong gia đình sử dụng thời gian theo lối mới. Vào thế kỷ 18, khi các hàng tiêu thụ mới bắt đầu xuất hiện với giá rẻ hơn bao giờ hết, các hộ gia đình dồn nhiều thì giờ hơn cho các hoạt động theo xu thế thị trường, với tác động tích cực đến khả năng tiêu thụ của họ. Mặc dù ban đầu đồng lương của đàn ông có lẽ đã thực sự suy giảm, nhưng lương của cả vợ, chồng, con cái cộng lại đã nâng tiêu chuẩn tiêu thụ (standards of consumption) cao hơn trước. Nhưng, việc tăng trưởng kinh tế và mở rộng các chân trời văn hóa không cải thiện mọi phương diện của đời sống cho mọi người. Việc con cái của giai cấp lao động có thể kiếm tiền từ tuổi vị thành niên đã khuyến khích chúng sao lãng học hành và sự thiếu lành mạnh của một số hàng hoá mới xuất hiện (bánh mì trắng, đường, thuốc lá, rượu mạnh) cho thấy tiêu chuẩn tiêu thụ tăng cao không luôn luôn đồng nghĩa với sự cải thiện sức khỏe và tuổi thọ con người. Và khi thời gian lao động của người phụ nữ được tái phối trí từ việc phục vụ gia đình sang phục vụ thị trường, các tiêu chuẩn vệ sinh có vẻ suy giảm, gia tăng rủi ro bệnh tật.
Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, người ta chứng kiến sự phát triển từng bước của các phương tiện sản xuất mới khắp các khu vực kinh tế. Đây là thời đại cơ khí, có đặc tính là các nguồn lực vô cơ (chủ yếu là máy hơi nước) ngày càng thay thế các nguồn lực hữu cơ (người và súc vật), một tiến trình đã gia tăng năng suất rất lớn. Khác hẳn trong một xã hội chủ yếu dựa vào nông nghiệp và tiểu công nghệ gia đình, việc chế tạo hàng hoá bây giờ ngày càng diễn ra trong những công xưởng được xây dựng chung quanh các cỗ máy tân kỳ nhưng quá kềnh càng, quá ồn ào, và quá dơ bẩn, không thể chứa trong nhà. Công ăn việc làm do đó ngày càng tách khỏi hộ gia đình, một chuyển biến rốt cuộc đã thay đổi cơ cấu gia đình.
Thoạt đầu, các chủ nhân của những nhà máy công nghiệp hóa mới mẻ này đã tuyển dụng phụ nữ và trẻ em vào làm công nhân vì họ là những người dễ sai bảo và dễ kỷ luật hơn đàn ông. Nhưng vào nửa sau của thế kỷ 19, người nam công nhân trung bình ở Anh được hưởng sự gia tăng đáng kể và bền vững của đồng lương đích thực; vì vậy, một sự phân công mới đã diễn ra ngay trong phạm vi gia đình, theo đường ranh giới tính. Nhờ sức mạnh thể chất cho họ một ưu thế tương đối trong việc sản xuất, nam giới ngày càng làm việc đông đảo trong các nhà máy với đồng lương thị trường đủ cao để nuôi cả gia đình. Tuy vậy, thị trường của thế kỷ 19 chưa thể cung cấp những hàng hóa để tạo ra sự sạch sẽ, vệ sinh, các bữa ăn bổ dưỡng, và việc trông nom chu đáo các trẻ em. Trong giới thượng lưu, những dịch vụ này có thể được đầy tớ cung ứng. Nhưng đối với hầu hết mọi gia đình, những dịch vụ này ngày càng được các bà vợ cung ứng. Tình trạng này đã phát sinh ra mô hình gia đình chồng đi kiếm cơm – vợ lo nội trợ (the breadwinner-homemaker family), dựa trên sự phân công theo giới tính. Theo de Vries, nhiều cải tiến về sức khỏe, tuổi thọ, và giáo dục từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, có thể được lý giải bởi việc tái phân bố (realloacation) lực lượng lao động phụ nữ từ thị trường về với hộ gia đình và, sau cùng, tái phân bố giới thiếu niên từ thị trường về với học đường, khi trẻ em rời bỏ lực lượng lao động để đến trường.
Tính năng động và sự bất an
Trong phần lớn lịch sử nhân loại, cội nguồn chính cho nỗi bất an của con người là thiên nhiên. Như Marx nhận xét, trong những xã hội như thế, hệ thống kinh tế hướng đến ổn định – và bế tắc. Những xã hội tư bản, trái lại, từ trước đến nay vẫn hướng tới sáng kiến và tính năng động, tới sự sáng tạo tri thức mới, sản phẩm mới, phương thức sản xuất và phân phối mới. Tất cả những điều đó đã chuyển vị trí của tình trạng bất an từ thiên nhiên sang kinh tế.
Hegel đã nhận xét vào những năm 1820 rằng đối với con người trong một xã hội thương mại đặt cơ sở trên mô hình chồng kiếm cơm-vợ lo việc nhà (the breadwinner-homemaker model), ý thức về giá trị bản thân và thế giá của mỗi người được gắn liền với công ăn việc làm. Điều này đặt ra một vấn đề, vì trong một nền kinh tế thị trường tư bản năng động, thất nghiệp là một khả năng hiển nhiên. Sự phân công lao động do thị trường tạo ra có nghĩa là nhiều công nhân có các kỹ năng được chuyên biệt hóa cao độ (highly specialized) và chỉ thích hợp với một số công việc rất hạn hẹp. Thị trường tạo ra những nhu cầu thường xuyên thay đổi, và do đó khi nhu cầu đối với sản phẩm mới gia tăng thì nhu cầu đối với sản phẩm cũ giảm bớt. Những người có cuộc đời gắn bó với một vai trò nhất định trong việc sản xuất ra những sản phẩm lỗi thời thường bị thất nghiệp và không có tay nghề để kiếm việc làm mới. Và việc cơ giới hóa hoạt động sản xuất cũng dẫn đến nạn thất nghiệp. Nói cách khác, ngay từ lúc khởi đầu, tính sáng tạo và sự đổi mới trong chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã đi đôi với nỗi bất an của các thành viên trong lực lượng lao động như bóng với hình.
 
Marx và Engels đã phác họa tính năng động, nỗi bất an, sự cải tiến các nhu cầu, và việc mở rộng các khả năng văn hóa của chủ nghĩa tư bản trong Tuyên ngôn Cộng sản như sau:
“Thông qua việc bóc lột thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã cho sản xuất và tiêu dùng một tính chất quốc tế. Nó rút phắt nền tảng quốc gia trụ dưới chân công nghiệp, khiến các thế lực phản động cực kỳ khó chịu. Các ngành công nghiệp quốc gia lâu đời đã bị tiêu diệt và đang hàng ngày bị tiêu diệt. Chúng bị choán chỗ bởi những ngành công nghiệp mới mà sự xuất hiện trở thành một vấn đề sống còn với mọi quốc gia văn minh, những ngành công nghiệp không còn sử dụng nguyên liệu bản xứ mà sử dụng nguyên liệu khai thác từ những vùng xa xôi nhất, những ngành công nghiệp mà sản phẩm được tiêu thụ không chỉ trong nước mà ở khắp mọi nơi trên hoàn cầu. Thay cho những nhu cầu cũ được thỏa mãn bằng sản phẩm nội địa, chúng ta thấy những nhu cầu mới, đòi được thỏa mãn bằng các sản phẩm từ các vùng đất và vùng khí hậu xa xôi. Thay cho sự cô lập và tự túc cố hữu của địa phương và quốc gia là giao lưu mọi hướng và sự phụ thuộc phổ quát giữa các quốc gia.”
Đến thế kỷ 20, nhà kinh tế Joseph Schumpeter sẽ triển khai trên những luận điểm này cái ý niệm cho rằng chủ nghĩa tư bản có đặc tính “hủy hoại sáng tạo”, trong đó các sản phẩm, các hình thức phân phối và tổ chức mới sẽ đào thải các hình thức cũ hơn. Nhưng khác với Marx, là người chỉ thấy nguồn gốc của tính năng động này trong cuộc tìm kiếm “tư bản” quái gở (mà ông cho là bóc lột giai cấp công nhân), Schumpeter tập trung vào vai trò của doanh nhân là người có sáng kiến, biết đưa vào thị trường các hàng hóa mới và khám phá các thị trường và các phương pháp mới.
Tính năng động và tình trạng bất an do chủ nghĩa tư bản công nghiệp thế kỷ 19 tạo ra đã dẫn đến sự thành lập các định chế mới để giảm bớt bấp bênh kinh tế, bao gồm tập đoàn trách nhiệm hữu hạn, nhằm giảm bớt rủi ro cho người đầu tư; các công đoàn, nhằm cải tiến lợi ích của người lao động; các hội tương trợ, nhằm cho vay nợ và cung cấp bảo hiểm chôn cất (burial insurance); và ngành bảo hiểm nhân thọ thương mại. Vào những thập niên giữa thế kỷ 20, nhằm đối phó nạn thất nghiệp tràn lan và cảnh khốn cùng do cuộc Đại khủng hoảng kinh tế gây ra (cũng như do sự thành công chính trị của chủ nghĩa cộng sản và phát-xít, một sự thành công đã thuyết phục nhiều nhà dân chủ rằng một tình trạng quá bấp bênh về kinh tế là mối đe dọa cho chính bản thân thể chế dân chủ tư bản chủ nghĩa), các nước dân chủ phương Tây đã chọn chính sách nhà nước phúc lợi (the welfare state). Nhiều quốc gia khác nhau đã sáng tạo nhiều kết hợp khác nhau gồm các chương trình cụ thể, nhưng các nhà nước phúc lợi mới mẻ này có nhiều điểm giống nhau, trong đó có chế độ bảo hiểm tuổi già và bảo hiểm thất nghiệp cũng như nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ các gia đình.
Sự bành trướng của nhà nước phúc lợi vào những thập niên sau Thế chiến II đã diễn ra vào một thời điểm mà các nền kinh tế tư bản đang tăng trưởng nhanh chóng. Sự thành công của nền kinh tế công nghiệp đã cho phép chuyển một số lợi nhuận và tiền lương vào các mục đích chính phủ thông qua việc đánh thuế. Sự phát triển dân số thời hậu chiến, trong đó mô hình gia đình chồng đi làm-vợ nội trợ (the breadwinner-home maker model) chiếm số đông, cũng rất phù hợp, vì tỉ lệ sinh cao vừa phải đã tạo ra một tỉ lệ thích hợp giữa số công nhân năng động và những người lệ thuộc [vợ con]. Cánh cửa cơ hội giáo dục được mở rộng, khi các đại học ưu tú gia tăng việc nhận sinh viên căn cứ vào thành tích học tập và tiềm năng của họ, và càng ngày càng có nhiều người theo học tại các cơ sở giáo dục cấp cao hơn. Các rào cản không cho phép phụ nữ và người thiểu số tham gia trọn vẹn vào đời sống xã hội cũng bắt đầu sụp đổ. Kết quả của tất cả những điều đó là một tình trạng quân bình tạm thời, trong đó các nước tư bản tiên tiến trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đa số dân chúng có công ăn việc làm, và tương đối có bình đẳng kinh tế-xã hội.

Gia-đình, Cộng-đồng và Vốn Con Người

    

Jerry MullerForeign Affairs, tháng Ba/tháng Tư, 2013

Trần Ngọc Cư dịch

Lời người dịch: Vì bài tiểu luận “Capitalism and Inequality” (Chủ nghĩa tư bản và Tình trạng bất bình đẳng) của Giáo sư Sử học Jerry Muller, Đại học Catholic University of America, dài đến 20 trang, chúng tôi chỉ xin trích dịch phần của bài tiểu luận nói về vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc xây dựng vốn con người. Tựa đề là của người dịch.

Trong môi trường toàn cầu hóa, tài chính hóa, hậu công nghiệp ngày nay, vốn con người (human capital) là quan trọng hơn bao giờ cả trong việc quyết định những cơ may trong đời. Sự kiện này cũng làm cho vai trò của gia đình trở nên quan trọng hơn trước, vì như mọi thế hệ xã hội học lại cứ phát hiện lại một điều cũ rích (khiến chính họ cũng phải lấy làm tiu nghỉu), đó là các nguồn lực do gia đình truyền lại cho con cái có xu thế định đoạt rất nhiều cho sự thành công ở nhà trường và nơi làm việc. Như chuyên gia kinh tế Friedrich Hayek đã vạch ra nửa thế kỷ trước trong cuốn The Constitution of Liberty (Cơ cấu của Tự do), trở ngại chính cho sự bình đẳng về cơ hội là ta không thể tìm ra được một cơ chế tốt hơn để thay thế những vị phụ huynh thông minh hay những gia đình biết bồi dưỡng tình cảm và văn hóa cho con cái. Theo một nghiên cứu gần đây của hai nhà kinh tế Pedro Carneiro và James Heckman, “Những khác biệt về trình độ kỹ năng nhận thức (cognitive skills) và các kỹ năng không thuộc lãnh vực nhận thức (noncognitve skills)(*) xuất hiện sớm trong đời người và tồn tại mãi. Có chăng là, học vấn chỉ đào sâu thêm những khác biệt đầu đời này mà thôi”.

Vốn di truyền nằm dưới nhiều dạng thức khác nhau: cơ cấu gien (genetics), sự nuôi dưỡng trước và sau khi đứa trẻ sinh ra, và các định hướng văn hóa được truyền đạt trong gia đình. Hẳn nhiên, tiền bạc cũng quan trọng, nhưng thường không quan trọng bằng những yếu tố gần như không liên quan đến tiền bạc này. (Sự hiện hữu nổi bật của sách báo trong một hộ gia đình là dấu hiệu con cái đạt điểm cao ở học đường, chứ không phải là lợi tức của gia đình đó). Qua thời gian, nếu xã hội được tổ chức dựa vào chế độ nhân tài, vốn di truyền gia đình và phần thưởng thị trường sẽ có có xu thế gắn bó với nhau.

Những cha mẹ có học vấn thường có khuynh hướng đầu tư thêm thì giờ và năng lực cho việc chăm sóc con cái, thậm chí khi cả cha lẫn mẹ đều bận việc ở sở làm. Và những gia đình có vốn con người phong phú có khả năng sử dụng hiệu quả hơn những phương tiện giáo dục cải tiến mà chủ nghĩa tư bản đương đại cống hiến (chẳng hạn tiềm năng bồi dưỡng tri thức qua Internet) đồng thời chống lại những cạm bẫy tiềm ẩn (như xem TV và chơi các trò chơi vi tính).

Sự kiện này ảnh hưởng lên khả năng của trẻ em trong việc vận dụng nền giáo dục chính thức ở nhà trường, một nền giáo dục ít ra cũng có tiềm năng ngày càng mở rộng để đón tiếp mọi người, bất chấp địa vị kinh tế hay sắc tộc. Vào đầu thế kỷ 20, chỉ có 6,4 % trẻ em Mỹ hoàn tất bậc trung học, và chỉ một trong 400 người tiếp tục lên đại học. Như vậy, thời bấy giờ một bộ phận dân chúng rất đông đảo có khả năng trí óc, nhưng không có cơ hội, để theo đuổi các bằng cấp cao. Ngày nay, tỉ số học sinh Mỹ hoàn tất bậc trung học là khoảng 75% (xuống từ đỉnh cao 80% năm 1960), và khoảng 40% thanh niên đăng ký theo học đại học.

Tờ The Economist gần đây đã nhai lại một quan niệm lỗi thời: “Trong một xã hội có cơ hội đồng đều rộng rãi, địa vị của cha mẹ trên thang lợi tức sẽ không ảnh hưởng mấy lên nấc thang lợi tức của con cái họ về sau”. Nhưng sự thật là, càng có cơ hội đồng đều do cơ chế tạo ra bao nhiêu, thì các di sản thuộc vốn con người của gia đình lại càng quan trọng bấy nhiêu. Như nhà khoa học chính trị Edward Banfield nhận xét một thế hệ trước đây trong cuốn The Unheavenly City Revisited [một tác phẩm duyệt xét lại các vấn đề đô thị Mỹ – TNC], “Toàn bộ nền giáo dục luôn ưu đãi trẻ em thuộc giai cấp trung lưu hoặc thượng lưu, vì ở vào giai cấp trung lưu hay thượng lưu có nghĩa là hưởng được những phẩm chất tốt đẹp giúp cho việc học tập đặc biệt dễ dàng”. Những cải tiến về phẩm chất trường học có thể cải thiện thành quả giáo dục nói chung, nhưng chúng có xu thế làm gia tăng, chứ không giảm bớt, khoảng cách thành đạt giữa con em xuất thân từ những gia đình có vốn con người chênh lệch nhau. Những nghiên cứu gần đây với mục đích chứng minh rằng tại Hoa Kỳ ngày nay sự thăng tiến xã hội giữa các thế hệ (intergenerational mobility) ít diễn ra hơn so với trong quá khứ (hay so với tại một số quốc gia châu Âu), đã không thấy được rằng sự kiện này thật ra có thể chỉ là sản phẩm trớ trêu [của các nỗ lực chính phủ] qua nhiều thế hệ nhằm gia tăng bình đẳng về cơ hội. Và trong khía cạnh này, có thể Hoa Kỳ chỉ là nước dẫn đầu trong các xu thế cũng được tìm thấy tại các nước tư bản tiên tiến khác.

Gia đình không phải là cơ chế xã hội duy nhất có một ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển vốn con người và đối với sự thành công nhiên hậu trong thị trường; các nhóm cộng đồng, như các cộng đồng tôn giáo, chủng tộc và dân tộc cũng có một ảnh hưởng tương tự. Trong cuốn sách xuất bản năm 1905, The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (Đức lý Tin lành và Tinh thần Tư bản chủ nghĩa), nhà xã hội học Max Weber nhận xét rằng trong các khu vực tôn giáo khác nhau, người Tin Lành làm kinh tế giỏi hơn người Công giáo, và người theo Giáo phái Calvin (Calvinists) thành công hơn người theo Giáo phái Luther (Lutherans). Weber đưa ra một một lý giải mang tính văn hóa cho sự khác biệt này, một sự khác biệt có gốc rễ trong những khuynh hướng tâm lý do các đức tin khác nhau này tạo ra. Vài năm sau, trong cuốn The Jews and Modern Capitalism (Người Do Thái và Chủ nghĩa Tư bản Hiện đại), Werner Sombart, người đồng thời với Weber, đưa ra một lý giải khác hơn cho sự thành công của các nhóm khác nhau, bằng cách một phần dựa vào các khuynh hướng văn hóa và một phần dựa vào các khuynh hướng chủng tộc. Và đến năm 1927, Schumpeter, một đồng nghiệp trẻ hơn của họ đã đặt tựa đề cho một bài tiểu luận quan trọng là “Giai cấp xã hội trong một môi trường thuần chủng (ethnically homogeneous)”, vì ông đinh ninh rằng trong một bối cảnh hợp chủng, các mức độ thành đạt thay đổi theo từng sắc dân, chứ không chỉ theo giai cấp xã hội mà thôi.

Những lý giải được đưa ra cho những mô hình nói trên là không quan trọng bằng thực tế là, mức thành đạt khác nhau giữa các nhóm vẫn là một đặc điểm bất diệt trong lịch sử của chế độ tư bản, và những chênh lệch này vẫn tiếp tục tồn tại ngày nay. Tại Hoa Kỳ đương đại, chẳng hạn, người châu Á (đặc biệt khi không kể đến các sắc dân hải đảo Thái Bình Dương) có xu thế thành đạt hơn người da trắng bản xứ (non-Hispanic whites), người da trắng bản xứ lại thành đạt hơn người da trắng gốc châu Mỹ La tinh (Hispanic whites), người châu Mỹ La tinh lại thành đạt hơn người Mỹ gốc châu Phi [người da đen]. Đây là sự thật dù ta nhìn vào sự thành đạt về học vấn, vào lợi tức, hay nhìn vào các loại hình gia đình, như các trường hợp sinh con ngoại hôn chẳng hạn.

Những quốc gia Tây Âu (và nhất là những quốc gia Bắc Âu), với những trình độ bình đẳng kinh tế còn cao hơn Mỹ nhiều, thông thường là những nước có những khối dân thuần chủng hơn Mỹ. Khi những đợt dân nhập cư gần đây làm cho nhiều nước tiên tiến hậu công nghiệp giảm bớt tính thuần chủng so với trước, chúng cũng có vẻ phân hoá giai cấp theo các đường ranh cộng đồng, với một số nhóm dân nhập cư biểu hiện những mô hình thành công hơn khối dân cư hiện hữu từ trước và một số nhóm khác lại ít thành công hơn. Tại Vương quốc Anh chẳng hạn, con cái những người Trung Hoa và người Ấn Độ nhập cư thường thành công hơn dân bản xứ, trong khi con cái của người da đen từ vùng Ca-ri-bê (Caribbean blacks) và người Pakistan thường thua kém hơn. Tại Pháp, con cái của người Việt Nam nhập cư thường thành công hơn con cái người bản xứ, và con cái của các sắc dân Bắc Phi lại thua kém hơn. Tại Israel, con cái của người Nga nhập cư thường thành công hơn người bản xứ, trong khi con cái của những người nhập cư từ Ethiopia lại thua kém hơn. Tại Canada, con cái người Trung Hoa và người Ấn Độ thường thành công hơn con cái dân bản xứ, trong khi con cái của dân nhập cư từ vùng Ca-ri-bê và châu Mỹ La tinh lại thua kém hơn. Phần lớn sự chênh lệnh trong mức độ thành công này có thể được giải thích bằng thành phần giai cấp và quá trình đào tạo khác nhau của các nhóm nhập cư ngay tại cố quốc của họ. Nhưng vì bản thân những cộng đồng nhập cư này đã đóng vai trò là nơi cưu mang vốn con người, những mô hình về sự thành đạt này có khả năng và vẫn còn tồn tại qua thời gian và không gian.

Trong trường hợp Hoa Kỳ, chính sách di trú của nước này đã đóng một một vai trò thậm chí còn lớn hơn trong việc làm nghiêm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, vì tính năng động kinh tế, sự cởi mở văn hóa, và địa thế của nước Mỹ có xu thế thu hút một số người tài giỏi và thông minh nhất thế giới lẫn một số người ít học nhất thế giới. Sự thể này đã nâng chóp bu của thang kinh tế lên cao và hạ phần dưới cùng xuống thấp hơn nữa.

Sự nhìn nhận ngày càng rộng lớn về tình trạng bất bình đẳng và phân hóa giai cấp xã hội đang gia tăng tại các nước hậu công nghiệp đương nhiên đã đưa đến các cuộc thảo luận về những điều có thể thực hiện để đối phó vấn đề này. Trong bối cảnh của Hoa Kỳ, câu trả lời đến từ hầu hết mọi thành phần xã hội thật là đơn giản: giáo dục.

Một chủ đề của lý luận này tập trung vào giáo dục đại học. Theo đó, hiện nay có một khoảng cách đang gia tăng về những cơ may trong đời giữa những người tốt nghiệp đại học và những người không tốt nghiệp, và vì thế cần phải có càng nhiều người vào đại học càng tốt. Đáng tiếc là, mặc dù một tỉ lệ phần trăm người Mỹ cao hơn trước đang theo đuổi bậc đại học, nhưng họ không nhất thiết học hỏi nhiều hơn. Một con số ngày càng đông đảo không đủ khả năng học tập ở cấp đại học, nhiều người phải rời ghế nhà trường trước khi hoàn tất học vị, và nhiều người khác nhận những bằng cấp chỉ phản ánh những tiêu chuẩn thấp hơn trình độ mà người ta thường cho là một cấp bằng đại học phải có.

Trong khi đó, mức chênh lệch đáng kể nhất trong sự thành tựu ở học đường diễn ra sớm hơn bậc đại học, được biểu hiện trong tỉ lệ hoàn tất bậc trung học, và những chênh lệnh quan trọng trong thành tích học tập (giữa các giai cấp xã hội khác nhau và giữa các sắc tộc khác nhau) còn xuất hiện sớm hơn, ngay từ cấp tiểu học. Do đó, một chủ đề thứ hai của cuộc tranh luận giáo dục tập trung vào bậc tiểu học và trung học. Những phương thức chữa trị được đề xuất ở đây gồm có: cung cấp thêm tiền cho các trường học, cho phụ huynh nhiều lựa chọn hơn, kiểm tra bài vở của học sinh thường xuyên hơn, và cải thiện hiệu năng của giáo viên. Thậm chí nếu một số hoặc toàn bộ các biện pháp này là đáng mong muốn vì những lý do khác đi nữa, không một biện pháp nào chứng tỏ đã giảm bớt khoảng cách giữa các học sinh và giữa các nhóm xã hội – vì bản thân nền giáo dục chính thức ở nhà trường (official schooling) đóng một vai trò tương đối nhỏ bé trong việc tạo ra hoặc duy trì các khoảng cách thành đạt (achievement gaps).

Thật ra những khoảng cách này có nguồn gốc trong những mức vốn con người khác nhau (different levels of human capital) mà trẻ em thừa hưởng khi chúng bắt đầu đi học – điều này đã dẫn đến một chủ đề thứ ba của cuộc tranh luận giáo dục, tập trung vào việc chăm sóc tuổi thơ ấu của trẻ em sớm hơn và tích cực hơn. Những đề xuất ở đây thường dẫn đến việc đưa trẻ em ra khỏi môi trường gia đình và đặt chúng vào những bối cảnh mang tính cơ chế (institutional settings) càng dài thời gian càng tốt (như chương trình Head Start, Early Head Start /cho trẻ em đi học sớm) hay thậm chí cố gắng tái xã hội hoá toàn bộ những khu dân sinh (như trong dự án Khu vực của Trẻ em Harlem/the Harlem Children’s Zone project). Có một số trường hợp thành công riêng lẻ với những chương trình này, nhưng không ai quả quyết là chúng có thể được nhân rộng trên một qui mô lớn hơn. Nhiều chương trình cho thấy kết quả ngắn hạn về khả năng nhận thức, nhưng hầu hết những thành quả này có xu thế mai một qua thời gian, và những thành quả còn sót lại thường là không đáng kể. Có một điều khả tín hơn là, những chương trình này giúp trẻ em trau dồi các kỹ năng không thuộc lãnh vực nhận thức và những đặc điểm nhân cách có thể dẫn đến thành công kinh tế tương lai – nhưng với một cái giá và nỗ lực đầu tư đáng kể, vì phải sử dụng các nguồn lực được rút tỉa từ những bộ phận thành công hơn trong xã hội (và như thế làm suy yếu các nguồn lực mà họ có thể sử dụng) hay các nguồn lực được chuyển từ các dự án tiềm năng khác.

Dù với tất cả những lý do này, tình trạng bất bình đẳng trong các xã hội tư bản tiên tiến đang có vẻ vừa gia tăng vừa không tránh khỏi, chí ít trong giai đoạn hiện nay. Thật vậy, một trong những khám phá thẳng thắn nhất của ngành nghiên cứu khoa học xã hội đương đại là, một khi sự cách biệt giữa các gia đình có lợi tức cao và những gia đình có lợi tức thấp đã gia tăng, thì những cách biệt trong sự thành đạt về học vấn và công ăn việc làm giữa con cái họ lại càng gia tăng hơn nữa.

J. M.

Chú thích:

(*)(1) Ở một đoạn khác trong bài tiểu luận, không được trích dịch ở đây, tác giả đã định nghĩa cognitive skills là “sự nhanh trí, khả năng suy luận và áp dụng các mô hình rút từ kinh nghiệm, và khả năng đối phó với tính phức tạp trí tuệ” và noncognitive skills là “các kỹ năng xã hội: tinh thần kỷ luật, đức tính kiên trì và tinh thần trách nhiệm” (TNC).

Bản tiếng Anh

THE FAMILY AND HUMAN CAPITAL

In today’s globalized, financialized, postindustrial environment, human capital is more important than ever in determining life chances. This makes families more important, too, because as each generation of social science researchers discovers anew (and much to their chagrin), the resources transmitted by the family tend to be highly determinative of success in school and in the workplace. As the economist Friedrich Hayek pointed out half a century ago in The Constitution of Liberty, the main impediment to true equality of opportunity is that there is no substitute for intelligent parents or for an emotionally and culturally nurturing family. In the words of a recent study by the economists Pedro Carneiro and James Heckman, “Differences in levels of cognitive and noncognitive skills by family income and family background emerge early and persist. If anything, schooling widens these early differences.”

Hereditary endowments come in a variety of forms: genetics, prenatal and postnatal nurture, and the cultural orientations conveyed within the family. Money matters, too, of course, but is often less significant than these largely nonmonetary factors. (The prevalence of books in a household is a better predictor of higher test scores than family income.) Over time, to the extent that societies are organized along meritocratic lines, family endowments and market rewards will tend to converge.

Educated parents tend to invest more time and energy in child care, even when both parents are engaged in the work force. And families strong in human capital are more likely to make fruitful use of the improved means of cultivation that contemporary capitalism offers (such as the potential for online enrichment) while resisting their potential snares (such as unrestricted viewing of television and playing of computer games).

This affects the ability of children to make use of formal education, which is increasingly, at least potentially, available to all regardless of economic or ethnic status. At the turn of the twentieth century, only 6.4 percent of American teenagers graduated from high school, and only one in 400 went on to college. There was thus a huge portion of the population with the capacity, but not the opportunity, for greater educational achievement. Today, the U.S. high school graduation rate is about 75 percent (down from a peak of about 80 percent in 1960), and roughly 40 percent of young adults are enrolled in college.

The Economist recently repeated a shibboleth: “In a society with broad equality of opportunity, the parents’ position on the income ladder should have little impact on that of their children.” The fact is, however, that the greater equality of institutional opportunity there is, the more families’ human capital endowments matter. As the political scientist Edward Banfield noted a generation ago in The Unheavenly City Revisited, “All education favors the middle- and upper-class child, because to be middle- or upper-class is to have qualities that make one particularly educable.” Improvements in the quality of schools may improve overall educational outcomes, but they tend to increase, rather than diminish, the gap in achievement between children from families with different levels of human capital. Recent investigations that purport to demonstrate less intergenerational mobility in the United States today than in the past (or than in some European nations) fail to note that this may in fact be a perverse product of generations of increasing equality of opportunity. And in this respect, it is possible that the United States may simply be on the leading edge of trends found in other advanced capitalist societies as well.

DIFFERENTIAL GROUP ACHIEVEMENT

The family is not the only social institution to have a major impact on the development of human capital and eventual success in the marketplace; so do communal groupings, such as those of religion, race, and ethnicity. In his 1905 book, The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism, the sociologist Max Weber observed that in religiously diverse areas, Protestants tended to do better economically than Catholics, and Calvinists better than Lutherans. Weber presented a cultural explanation for this difference, grounded in the different psychological propensities created by the different faiths. A few years later, in The Jews and Modern Capitalism, Weber’s contemporary Werner Sombart offered an alternative explanation for differential group success, based partly on cultural propensities and partly on racial ones. And in 1927, their younger colleague Schumpeter titled a major essay “Social Classes in an Ethnically Homogeneous Environment” because he took it for granted that in an ethnically mixed setting, levels of achievement would vary by ethnicity, not just class.

The explanations offered for such patterns are less important than the fact that differential group performance has been a perennial feature in the history of capitalism, and such differences continue to exist today. In the contemporary United States, for example, Asians (especially when disaggregated from Pacific Islanders) tend to outperform non-Hispanic whites, who in turn tend to outperform Hispanics, who in turn tend to outperform African Americans. This is true whether one looks at educational achievement, earnings, or family patterns, such as the incidence of nonmarital births.

Those western European nations (and especially northern European nations) with much higher levels of equality than the United States tend to have more ethnically homogeneous populations. As recent waves of immigration have made many advanced post­industrial societies less ethnically homogeneous, they also seem to be increasingly stratifying along communal lines, with some immigrant groups exhibiting more favorable patterns than the preexisting population and other groups doing worse. In the United Kingdom, for example, the children of Chinese and Indian immigrants tend do better than the indigenous population, whereas those of Caribbean blacks and Pakistanis tend to do worse. In France, the descendants of Vietnamese tend to do better, and those of North African origin tend to do worse. In Israel, the children of Russian immigrants tend to do better, while those of immigrants from Ethiopia tend to do worse. In Canada, the children of Chinese and Indians tend to do better, while those of Caribbean and Latin American origin tend to do worse. Much of this divergence in achievement can be explained by the differing class and educational backgrounds of the immigrant groups in their countries of origin. But because the communities themselves act as carriers and incubators of human capital, the patterns can and do persist over time and place.

In the case of the United States, immigration plays an even larger role in exacerbating inequality, for the country’s economic dynamism, cultural openness, and geographic position tend to attract both some of world’s best and brightest and some of its least educated. This raises the top and lowers the bottom of the economic ladder.

WHY EDUCATION IS NOT A PANACEA

A growing recognition of the increasing economic inequality and social stratification in postindustrial societies has naturally led to discussions of what can be done about it, and in the American context, the answer from almost all quarters is simple: education.

One strand of this logic focuses on college. There is a growing gap in life chances between those who complete college and those who don’t, the argument runs, and so as many people as possible should go to college. Unfortunately, even though a higher percentage of Americans are attending college, they are not necessarily learning more. An increasing number are unqualified for college-level work, many leave without completing their degrees, and others receive degrees reflecting standards much lower than what a college degree has usually been understood to mean.

The most significant divergence in educational achievement occurs before the level of college, meanwhile, in rates of completion of high school, and major differences in performance (by class and ethnicity) appear still earlier, in elementary school. So a second strand of the education argument focuses on primary and secondary schooling. The remedies suggested here include providing schools with more money, offering parents more choice, testing students more often, and improving teacher performance. Even if some or all of these measures might be desirable for other reasons, none has been shown to significantly diminish the gaps between students and between social groups — because formal schooling itself plays a relatively minor role in creating or perpetuating achievement gaps.

The gaps turn out to have their origins in the different levels of human capital children possess when they enter school — which has led to a third strand of the education argument, focusing on earlier and more intensive childhood intervention. Suggestions here often amount to taking children out of their family environments and putting them into institutional settings for as much time as possible (Head Start, Early Head Start) or even trying to resocialize whole neighborhoods (as in the Harlem Children’s Zone project). There are examples of isolated successes with such programs, but it is far from clear that these are reproducible on a larger scale. Many programs show short-term gains in cognitive ability, but most of these gains tend to fade out over time, and those that remain tend to be marginal. It is more plausible that such programs improve the noncognitive skills and character traits conducive to economic success — but at a significant cost and investment, employing resources extracted from the more successful parts of the population (thus lowering the resources available to them) or diverted from other potential uses.

For all these reasons, inequality in advanced capitalist societies seems to be both growing and ineluctable, at least for the time being. Indeed, one of the most robust findings of contemporary social scientific inquiry is that as the gap between high-income and low-income families has increased, the educational and employment achievement gaps between the children of these families has increased even more.

Đổ Xăm Hường

Lê Duy Đoàn

XĂM HƯỜNG

MỘT TRÒ CHƠI TAO NHÃ VÀ VUI VẺ TRONG NGÀY TẾT

CỦA NGƯỜI DÂN XỨ HUẾ VÀ CÁC XỨ CẬN HUẾ

Sáng mồng 7 tháng giêng năm Đinh Hợi, tôi đang chiên mấy miếng bánh tét thì nghe vợ tôi gọi với xuống từ lầu 1:” anh Đoàn ơi ! Xăm hường trong chương trình VTV1 của truyền hình VN”. Tôi vội bật TV, vừa kịp lúc phóng viên đang phỏng vấn 1 người dân sống ở phố cổ Hội An, người này bảo rằng trò chơi Xăm Hường là một trò chơi của người Tàu, được du nhập vào VN do người Minh Hương (Việt gốc Tàu) từ rất lâu. Cả phóng viên lẫn người được phỏng vấn đều sai, với một phát biểu trên phương tiện truyền thông dễ gây ra ngộ nhận. Phát biểu đó mang tính võ đoán và thiếu căn cứ.

Theo tôi, trò chơi Xăm Hường được  bày ra để làm trò tiêu khiển trong nội cung Triều Nguyễn. Sau đó, các quan lại và những người trong Nguyễn Phước Tộc, mang trò chơi này ra ngoài cung và trò chơi trở nên phổ biến từ thành thị đến nông thôn Huế và Thừa Thiên.

Người dân các xứ Quảng (Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi) cũng có những gia đình chơi trò Xăm Hường nhưng rất ít. Những gia đình này có thể là người gốc Huế hoặc có dây mơ rễ má gì với người Huế. Hoặc giả, trong dòng tộc có người làm quan trong triều đình Huế, hoặc giả họ là bà con dâu rễ với người Huế.

Vào trong Nam hay ngoài Bắc, trò chơi này hoàn toàn lạ lẫm. Như vậy, trò chơi Xăm Hường ví như vết dầu loang, trò chơi từ cung đình Huế lan ra khắp Huế và Thừa Thiên rồi tỏa ra các vùng xứ Quảng, rồi thôi. Những vùng xa như Bình Định, Phú Yên trở vào đến Cà Mau, từ Quảng Bình trở ra Bắc hầu như chẳng ai biết trò chơi này.

Trở lại bài phỏng vấn về Xăm Hường trên VTV1, bảo rằng Xăm Hường có nguồn gốc từ Trung Quốc là không có căn cứ vì nếu vậy trò chơi phải để lại một dấu vết nào đó trong các tác phẩm văn học. Chẳng có dấu vết nào.

Nếu người Minh Hương đem trò chơi này du nhập vào Việt Nam thì không cứ gì có người Minh Hương ở Hội An chơi trò này mà người Minh Hương ở Chợ Lớn là một cộng đồng người Hoa rất rộng lớn lại không biết trò chơi này? Dòng họ Mạc Thiên Tích lập nghiệp ở Hà Tiên ắc cũng phải đem trò chơi thú vị này du nhập chứ sao lại không nhỉ?

Để chứng minh thêm trò chơi Xăm Hường phát sinh từ nội cung triều Nguyễn, tôi dẫn ra đây 2 chứng cứ:

  1. Nếu phát sinh từ các triều vua trước ở Thăng Long, thì với mức thẩm thấu của trò chơi này, ít nhất là người ở Đông Đô Hà Nội phải có người biết.

  2. Tên gọi trò chơi là tên gọi thuần Việt “XĂM HƯỜNG”. Tên gọi này chỉ ra việc từ chữ Hồng nói trại ra thành chữ Hường. Đây là lối nói tránh những từ húy kỵ rất phổ biến ở Huế như chữ cửa Đông Hoa nói trại tha`nh cửa Đông Ba vì chữ Hoa là chữ húy kỵ đối với vua. Chắc chắn là những người ở Hội An không thể nói tên gọi của trò chơi này theo một cách gọi của người Tàu (ví dụ như Đoạt Khôi Nguyên Đồng Khánh chi cục chẳng hạn ) mà chỉ có thể gọi một cách thuần Việt và Huế đặc là Xăm Hường.

  3. Trò chơi Xăm Hường chắc là được bày ra sau đời vua Minh Mạng. Để thiết lập một nền quân chủ kỷ cương, ông vua văn võ song toàn này lập ra những bài thiệu 4 câu 5 chữ để phân biệt dòng chính và dòng thứ trong Nguyễn Phước Tộc. Mà dòng đích (chính hệ) là:

Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quý Định Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thoại Quốc Gia Xương

            Những dòng thứ (bàng hệ) có những bài thiệu khác.

Như vậy gọi là Hường để tránh chữ Hồng là chữ phạm húy.

                                 

*   *   *

Nhân đây tôi xin trình bày thêm về trò chơi Xăm Hường, một trò chơi phù hợp với niềm hân hoan của con người trong 3 ngày tết, phù hợp với việc tạo một không khí ấm cúng, đầy tình thương yêu gắn bó các thành viên trong gia đình,bằng hữu từ già tới trẻ ai chơi cũng được, cũng vui, thậm chí người không biết luật vẫn ngồi vào chơi được như thường.

Người ta thường chơi Xăm Hường trong mấy ngày tết, có kéo dài lắm thì cũng đến hết mùng thì thôi. Đây là một trò chơi tao nhã vì không ai dùng Xăm Hường để sát phạt. Hầu như không có tiếng cãi cọ, cay cú trong lúc chơi Xăm Hường, chỉ có tiếng cười vui rộn rã hòa với tiếng leng keng vui tai của nạm hột súc sắc xoay tròn trong tô kiểu cùng tiếng lách cách của những thẻ hường va chạm nhau.

Số lượng người tham dự trò chơi này có thể lên đến 12 người hay nhiều hơn nữa nếu chúng ta biết cách chơi. Do đó, Xăm Hường rất phù hợp với không khí gia đình chung vui trong ba ngày tết.

Chẳng ai chơi Xăm Hường mà tính chuyện gian lận vì không ai có thể điều khiển được một lúc 6 hột súc sắc. Tính minh bạch của trò chơi rất cao, 6 hột bày ra rõ ràng trước bao nhiêu cặp mắt nên người không biết tí gì về Xăm Hường cũng có thể ngồi vào chơi thoải mái, chỉ cần thả hột vào tô thì có người đọc và lượm thẻ giúp. Chỉ qua vài ba ván là biết được luật chơi liền.

Nhiều người tin rằng chơi Xăm Hường như một cách bói quẻ tốt xấu đầu năm. Trong cuộc chơi, ai lấy được Trạng anh (Trạng Nguyên), Trạng em (Bảng Nhãn, Thám Hoa) nhiều lần thì chắc cả năm danh tài đắc lợi, công việc hanh thông, thăng tiến. Trước ăn sau thua thì đầu năm tốt, nữa năm về sau xấu và nếu trước thua sau ăn thì ngược lại tiền hung hậu cát.

Nếu bị cướp trạng thì coi chừng những điều xui rủi, công việc gãy đỗ giữa chừng.

Hên nhất là ngũ hường đoạt tam khôi, cướp một lúc 3 ông trạng chắc là trong năm có cơ hội hoạnh phát tài lộc. Khó nhất là lục phú, tức là 6 hột súc sắc cùng hiện ra một mặt giống nhau. Vì là cực kỳ khó nên người ta tin rằng điều quá tốt hiển hiện thì có sự việc quá xấu tiềm ẩn.

Bàn về trò chơi Xăm Hường:

Có lẽ nhiều người chơi Xăm Hường thắc mắc vì sao người bày ra trò chơi này lại lấy mặt tứ (bốn) làm chuẩn của trò chơi, trong khi mặt nhất (một) cũng đẹp và cũng có màu đỏ.

Theo tôi, trò chơi mang tinh thần khuyến học. Vào thời quân chủ, người ta học hành theo lối từ chương với mục đích kiếm một chổ trong chốn quan trường. Muốn ra làm quan thì người học phải qua các kỳ thi Hương để đổ Tú Tài, kỳ thi Hội để đổ Cử Nhân và kỳ thi Đình để đậu đạt Tiến Sĩ.

Trong trò chơi Xăm Hường cũng có các cấp đỗ đạt như vậy mà phần thưởng cho người chơi là những thẻ xăm hường, trong đó cao nhất là Trạng Nguyên.

Vì là chốn quan trường nên cung quan là chủ đạo của trò chơi.

Trong quẻ Dịch có 6 hào từ sơ hào đến hào thượng. Sáu mặt của hột súc sắc (nhất – nhì – tam – tứ – ngũ – lục) tương ứng với 6 hào. Trong 6 hào của quẻ dịch thì hào 6 là ngôi trời, hào 5 là ngôi vua (cửu ngũ) và hào 4 là ngôi quan nên người bày ra trò chơi này lấy mặt tứ làm chủ đạo cho trò chơi. Mặt tứ có màu đỏ vừa vuông vắn, vừa đẹp lại vừa có ý nghĩa được gọi là Hường.

Người bày ra trò chơi dựa trên tính toán xác suất và tần suất xuất hiện của các mặt súc sắc để định ra luật lệ trò chơi. Càng khó xuất hiện (tức là xác suất thấp, tần suất xuất hiện ít) thì mức thưởng càng cao.

Từ đó hình thành ra các loại thẻ xăm hường. Bộ thẻ Xăm Hường được lập theo thứ tự quẻ Dịch: Thái Cực (1), Lưỡng Nghi (2), Tứ Tượng (4), Bát Quái (8) từ đó tăng dần lên theo cấp số nhân mà công bội là 2. Nếu tính đơn vị là 1 thẻ nhất hường (giá trị là 1) thì tổng giá trị của cả bộ Xăm Hường là 192 đơn vị, chia ra làm 6 loại thẻ, mỗi loại thẻ trị giá 32 đơn vị gọi là 1 Trạng.

Tên gọi và giá trị của các loại thẻ Xăm Hường:

 

TT

Tên gọi

Giá trị

Số lượng (thẻ)

1

Thẻ Trạng Nguyên (dân gian gọi là Trạng anh)

32

1

2

Thẻ Bảng Nhãn, Thám Hoa (Trạng em)

16

2

3

Thẻ Tam Hường

8

4

4

Thẻ Tứ Tự (hay Tứ Tấn)

4

8

5

Thẻ Nhị Hường

2

16

6

Thẻ Nhất Hường

1

32

Tổng mỗi loại thẻ có giá trị 32 đơn vị gọi là 1 trạng x 6 = 192 đơn vị, người ta gọi là 6 Trạng.

Thẻ Tam Hường còn gọi là thẻ Tam Hường Hội. Còn nhất hường, nhì hường tương đương với cấp đỗ đạt là Tú Tài, Cử Nhân thì tôi chì nghe nói mà thôi.

Như vậy chỉ với 1 bộ 6 hột súc sắc và một bộ thẻ như trên với 1 cái tô kiểu tiếng kêu thanh tao là ta đã sẵn sàng cho một cuộc chơi vui thú.

Những qui ước trong trò chơi Xăm Hường:

Người  chơi được nhận thẻ xăm theo những gì xuất hiện trong 1 lần đổ hột vào tô.

 

  1. Nhất Hường (1 mặt tứ) : lấy 1 thẻ một

  2. Nhị Hường (2 mặt tứ) : lấy 1 thẻ 2 hoặc 2 thẻ 1 khi không còn thẻ 2.

  3. Tứ Tự (hay còn gọi là Tứ Tấn): khi có 4 mặt giống nhau trừ mặt Hường (mặt bốn) thì lấy 1 thẻ 4. Nếu ngoài 4 mặt giống nhau đó có thêm 1 hường hay 2 hường thì lấy thêm 1 thẻ 1 hoặc 1 thẻ 2.

  4. Tam Hường (3 mặt tứ): lấy thẻ 8

Nếu Tam Hường đi với 3 hột súc sắc còn lại cùng 1 mặt (ví dụ 3 tứ, 3 tam) thì gọi là Phân Song Tam Hường, lấy được 1 Trạng em và 1 thẻ Tam Hường (trị giá 24 thẻ)

  1. Trạng em: có nhiều trường hợp xuất hiện được lấy Trạng Em (tức là Bảng Nhãn, Thám Hoa)

    1. Suốt: 6 hột theo thứ tự nhất – nhị – tam – tứ – ngũ – lục.

    2. Phân Song: là chia hai, 3 hột mặt này, 3 hột mặt kia (ví dụ 3 tam, 3 nhị)

    3. Thượng Mã, Hạ Mã: theo chữ là “Thượng mã đề kim, hạ mã đề ngân” trong tích Tào Tháo đãi ngộ Quan Công trong truyện Tam Quốc Chí.

         Thượng mã là 3 đôi: 2 nhất, 2 nhị, 2 tam

         Hạ mã là 3 đôi: 2 tứ, 2 ngũ, 2 lục

    1. Tứ Tự Cáp:  Cáp nghĩa là ghép với nhau. Tứ tự là 4 mặt giống nhau, hai hột còn lại mà tổng số bằng với mặt tứ tự thì gọi là Tứ Tự Cáp.

Ví dụ: Tứ tự là 4 mặt ngũ, 2 hột còn lại có thể là 3 và 2 hoặc là 4 và 1 thì đều gọi là tứ tự cáp.

Có 2 trường hợp đặc biệt của tứ tự cáp:

         4 mặt nhất và 2 mặt ngũ, lục thành ra 11 là tứ tự cáp của mặt nhất.

         4 mặt nhị và 2 mặt nhất hoặc là 2 mặt lục cũng là cáp.

Bốn trường hợp trên, người chơi được quyền lấy thẻ trạng Em. Khi hết thẻ trạng Em giữa làng thì lấy tương đương giá trị 16 thẻ.

  1. Trạng Anh (Tức là Trạng Nguyên) có 2 trường hợp.

  1. Trạng Tứ hường (còn gọi là trạng Đỏ) bao gồm 4 mặt hường. 2 hột súc sắc còn lại cộng với nhau thành ra tuổi của Trạng.

Ví dụ: 4 hường và 2 mặt còn lại là 3 và 5 thì gọi là trạng 8 tuổi.

Khi một người đã lấy được trạng 8 tuổi, mà có người khác đổ hột súc sắc ra trạng Anh 9 tuổi trở lên thì người đó được lấy trạng anh từ tay người kia gọi là cướp trạng.

Ngoài tuổi của trạng xác định như trên còn có 2 trường hợp đặc biệt là Trạng cáp xiên và Trạng cáp chính.

Trạng cáp xiên là 4 tứ, 1 tam, 1 nhất.;

Trạng cáp chính là 4 tứ, 2 nhị.

Trạng cáp xiên cướp trạng có tuổi. Trạng cáp chính cướp được cả trạng cáp xiên.

  1. Trạng ngũ tử (Trạng anh Đen): bao gồm 5 mặt giống nhau trừ hường. Hột xúc sắc còn lại là số tuổi.

Ví dụ: 5 mặt ngũ một mặt nhị thì gọi là Trạng ngũ tử 2 tuổi. Nếu người khác cũng ra ngũ tử mà tuổi lớn hơn thì cướp trạng.

Trạng ngũ tử có một trường hợp đặc biệt là ngũ tử đại ấn tức là 5 hột cùng một mặt, hột còn lại là mặt tứ. Trạng ngũ tử đại ấn cướp trạng ngũ tử có tuổi.

Có một quy định đặc biệt là loại trạng nào chỉ được cướp trạng loại đó. Trạng đỏ không được cướp trạng ngũ tử và ngược lại.

Trường hợp đổ ra trạng mà không cướp được trạng thì người ấy sẽ lấy 32 thẻ giữa làng.

Nếu người có trạng mà đổ ra trạng nhiều tuổi hơn thì chỉ được tăng tuổi  trạng chớ không được phép lấy thêm thẻ giữa làng.

  1. Ngũ hường đoạt tam khôi: Tức là 5 mặt hường thì được lấy cả 3 trạng (1 trạng anh và 2 trạng em) dù trạng đã nằm trong tay người khác. Hột súc sắc còn lại là số tuổi của ngũ hường.

  2. Lục phú: Có 2 trường hợp:

  1. Lục phú đen: 6 mặt giống nhau trừ hường.

Khi có lục phú thì không kể ai có bao nhiêu thẻ, tất cả người chơi đều đồng loạt chung cho người lục phú giá trị theo quy định (nếu 6 hoặc 7 người chơi, mỗi người phải chung 1 trạng)

  1. Lục phú hường: 6 mặt tứ

Tất cả đều chung cho người có lục hường trị giá gấp đôi quy định (nếu chơi 6 hoặc 7 người thi 1 người phải chung 2 trạng)

Trong trường hợp, người chơi đổ hột văng ra ngoài thì xem như bất hợp lệ và phải bị phạt một thẻ hường thêm vào trạng.

Trường hợp người có trạng đổ hột những lần đầu không có hường thì mỗi lần bị phạt 1 thẻ thêm vào trạng.

Số lượng người chơi và cách tính số lượng thẻ của mỗi người chơi:

1. Từ 2 đến 7 người:

– Hai người: mỗi người phải đủ 32 x 3 = 96 thẻ.

– Ba người: mỗi người phải đủ 32 x 2 = 64 thẻ.

– Bốn người: mỗi người phải đủ 32 x 1,5 = 48 thẻ.

– Năm người: Có 2 cách:

      + Nếu chia đều thì bỏ bớt 2 thẻ, còn 190 thẻ, mỗi người phải đủ 38 thẻ.

      + Bán trạng: người có trạng anh được quyền bán trạng và những thẻ khác trên tay mình, không giữ lại thẻ nào. Như vậy, mỗi người khác phải đủ 48 thẻ.

         Sáu người: mỗi người phải đủ 32 thẻ.

         Bảy người: người nào có trạng anh sẽ bán hết thẻ trên tay mình cho người nào còn thiểu (mỗi người phải đủ 32 thẻ).

2. Bắt đầu 8 người chơi trở lên thì cách tính có phần phức tạp hơn. Số người chơi có thể nhiều nhưng nên chơi tối đa 12 người.

Từ 8 đến 12 người chơi, chúng ta áp dụng lối bán trạng 2 lần.

Nhiều người nghĩ rằng, bán trạng 2 lần là người có trạng được bán gấp đôi giá trị của thẻ trạng (32 x 2 = 64)

Thật sự, nếu chơi theo cách đó thì chỉ có 1 người vui vì ăn nhiều mà những người khác sẽ buồn vì ai cũng thua cả.

Theo tôi đã áp dụng và cách bán trạng 2 lần này hay hơn.

Bán trạng hai lần có nghĩa là cả trạng anh và 2 trạng em đều được bán.

Người có trạng em được xem như đủ thẻ, số còn lại mà người có trạng em lấy được thì được quyền bán.

Sau khi người có thẻ trạng em bán xong, thì người có trạng anh sẽ ăn hết phần còn lại

Số lượng thẻ cần có của những người chơi không có trạng giảm dần khi số người chơi tăng lên:

8        người chơi, mỗi người không có trạng chịu 32 thẻ

9                                                                       28 thẻ

10                                                                     25 thẻ

11                                                                     22 thẻ

12                                                                     20 thẻ

Số lượng thẻ này tùy theo sự giao ước của những người chơi. Con số trên đây chỉ là con số để tham khảo mà thôi.

Một số cải biến để trò chơi thêm hấp dẫn :

  1. Đấu thẻ rời: Khi còn lại chỉ trạng anh, người ta tạo thêm hào hứng bằng cách đấu 1 , 2 thẻ hường. Ai nhiều hường hơn sẽ ăn hết. Lối đấu này chỉ căn cứ theo mặt hường.

  2. Hạ giá trạng: Khi đã hết thẻ nhỏ mà đổ nhiều vòng không lên trạng, để cho nhanh có thể hạ giá trạng. Thông thường là phân song tam hường, có thể là trạng em trừ suốt (Có nghĩa là phân song, tứ tự cáp, thượng hạ mã)

  3. Cướp Trạng Em: Khi có 8 người chơi trở lên, người chơi chấp nhận bán trạng 2 lần thì giá trị của trạng em tăng lên nhiều. Có thể chia ra 3 cấp để cướp trạng em.

Cấp I: Phân song tam hường

Cấp II: Phân song, tứ tự cáp, thượng mã, hạ mã

Cấp III: Suốt

Như vậy phân song tam hường có thể cướp trạng em cấp II và III, cấp II có thể cướp trạng em của Suốt.

Người lấy trạng em trước thì bị cướp trước.

  1. Không lấy thẻ: Người chơi có quyền không lấy thẻ giữa làng vì không ai cấm 1 người từ chối quyền lợi mình được hưởng. Như vậy người chơi có cơ hội cướp trạng nhiều hơn.

Bằng cách chơi mới lạ này mà bạn bè Quốc Học 61-64 đã áp dụng trong buổi họp mặt đầu năm Đinh Hợi. Nó tạo nên niềm vui vô kể.

Hầu như trò chơi nào cũng có những biến thái thích hợp để tạo nên hào hứng và vui vẻ nhiều hơn. Do đó chúng ta không nên câu nệ lề thói cũ mà thử áp dụng những cải biến trong trò chơi xăm hường để trò chơi vui hơn, hấp dẫn hơn. 

 

Chế tác thẻ Xăm Hường

Trong nội cung triều Nguyễn và các gia đình quan lại trước đây, thẻ xăm hường có thể làm bằng ngà voi. Sau này, thẻ xăm hường được làm bằng vật liệu khácdễ kiếm hơn. Vật liệu có thể là sùng bò, sùng trâu trắng, xương, tre, gỗ để làm xăm. Có thể in, vẽ hình trạng và ghi chữ Hán, cũng có thể ghi chữ số, miễn sao có đủ thẻ lớn nhỏ để chơi.

Bộ thẻ xăm hường của tôi được chế tác từ đủa nhựa melamine của Trung Quốc. Chỉ cần cắt dài ngắn khác nhau ta có thẻ nhất hường, nhị hường, tứ tự. Ghép 2 thẻ tứ tự cho dài hơn 1 tí ta có thẻ tam hường, ghép 3 thẻ dài hơn ta có trạng em, dài hơn chút nữa ta có trạng anh.

Dùng keo dán Super Glue đễ gắn các thẻ đủa lại với nhau. Cách chế tác này dễ dàng. ai cũng làm được vì đơn giản vô cùng mà âm thanh của thẻ va chạm nhau cũng thanh tao “nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau” vui tai lắm lắm .

Xăm hường là một trò chơi mang đậm nét văn hoá đặc sắc. Trò chơi phổ biến rất rộng rãi trong xã hội Huế và các vùng lân cận. Trò chơi vô cùng tao nhã và thân thiết.

Cứ mỗi lần Tết đến, được nghe âm thanh các hột súc sắc đỗ dòn trong cái tô kiểu, lòng người tự nhiên thấy rộn rã một không khí vui tươi, đầm ấm của một gia đình người Huế đón xuân.

Mỗi gia đình người Việt dù ở Việt Nam hay xa xứ nên kiếm mua hoặc tự làm một bộ xăm hường để gia đình được quây quần vui vẽ trong ba ngày Tết với trò chơi tao nhã: XĂM HƯỜNG

LÊ DUY ĐOÀN

Mông 8/1/Đinh Hợi.

Post Navigation